Trong đó có công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin; điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Khu Công nghệ cao quốc gia đa chức năng
Ông Vũ Quang Hùng, ủy viên BTV Thành ủy, trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước, được quy hoạch, xây dựng theo hướng một khu đô thị sinh thái, có sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu - phát triển, ươm tạo, đào tạo với sản xuất và môi trường văn hóa - xã hội.
Mục tiêu chính của Khu công nghệ cao là trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học - kỹ thuật của Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ - doanh nghiệp công nghệ cao; hình thành và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của địa phương.
Theo ông Hùng sự phát triển vượt bậc về hạ tầng kỹ thuật đô thị với việc hình thành các tuyến giao thông chính (như tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường Vành đai phía Tây, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…) kết nối giữa khu vực nội đô, các vùng miền lân cận…làm cơ sở cho việc hình thành các khu đô thị vệ tinh, các khu dân cư mới (Golden Hills, Hòa Liên, Hòa Ninh...) với các tiện ích xã hội, dịch vụ đi kèm.
Trong tương lai sẽ hình thành Khu đô thị hậu cần khu công nghệ cao, Khu phức hợp nghỉ dưỡng - sân golf, Khu phi thuế quan, Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái...
Đóng góp tăng trưởng 10 - 15% giai đoạn 2025-2030
Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ lệ đóng góp của Khu công nghệ cao cho tăng trưởng đạt tối thiểu 10 - 15% giai đoạn 2025 – 2030.Để đạt mục tiêu đóng góp cho tăng trưởng từ 10-15%, thành phố Đà Nẵng cần có những chiến lược rõ ràng xuất phát từ thực tiễn.
Đến hết tháng 4 năm 2023, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy tại Khu Công nghệ cao này đạt 44%. Trong đó, phân khu sản xuất là 58%, khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao là 76% và khu nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp là 5,5%.
Ông Vũ Quang Hùng, trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết khi mời gọi đầu tư, thành phố Đà Nẵng cân nhắc các yếu tố về nhân lực, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, quỹ đất phù hợp cho phát triển lĩnh vực, hạ tầng phục vụ sinh hoạt cho người lao động, đội ngũ chuyên gia.
Đối với dự án vào khu công nghệ cao, ban sẽ kết nối nhà đầu tư với trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng giúp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đối từng vị trí việc làm của dự án. Để có sự đánh giá chuẩn, khi nhận hồ sơ dự án của doanh nghiệp, đơn vị sẽ làm đầu mối gửi đến sở ngành để thẩm định hồ sơ.
Trong đó, Sở Khoa học- Công nghệ đánh giá về công nghệ cao và sản phẩm. Việc thẩm định hồ sơ do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng quyết định và chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, ban cũng sẽ mời chuyên gia, khảo sát thực địa nếu ở Việt Nam và xem qua clip nếu ở nước ngoài. Đối với dự án quan trọng có vốn đầu tư lớn, Ban quản lý sẽ thành lập tổ công tác để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc.
Theo ông Hùng thời gian tới TP sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc thông qua tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các thị trường trọng điểm và quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.
"Ban Quản lý tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn còn vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm. Triển khai thủ tục mở rộng Khu Công nghệ cao, lập quy hoạch phân khu xây dựng đối với dự án Khu Công nghệ cao theo ranh giới quy hoạch đã được xác định trong quy hoạch chung thành phố song song với việc triển khai quy hoạch phân khu công nghệ cao" - ông Hùng nói.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích quy hoạch là 1.128,4 ha với 6 phân khu chức năng: Khu sản xuất công nghệ cao; Khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu quản lý - hành chính; Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao.
Hiện, thành phố ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghệ thông tin, truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano.
Ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: "Thành phố đã định hướng, tái cơ cấu và xác định công nghiệp công nghệ cao là một trong những mũi nhọn kinh tế của thành phố. Vì vậy thành phố rất quan tâm thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao.
Thành phố đã ban hành đề án thu hút đầu tư vào khu này cùng với đề án phối hợp giữa các khu công nghiệp giữa các tỉnh miền Trung để hỗ trợ nhau. Ngoài ra, thành phố từng bước tháo gỡ khó khăn về một số vấn đề pháp lý. Tôi hy vọng khi những khó khăn được tháo gỡ thì sẽ đóng góp một phần rất lớn vào phát triển kinh tế- xã hội."
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang là khu công nghệ cao duy nhất tại miền Trung. Hiện thành phố Đà Nẵng đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, “đặc thù” để thu hút đầu tư vào đây.
Xem thêm: mth.751136122503202-ial-gnout-gnort-gnan-ad-neirt-tahp-toc-urt-oac-ehgn-gnoc/nv.ertiout