Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2025, có 126 phường, xã của TP.HCM phải sắp xếp lại, trong đó có 6 đơn vị đã sắp xếp. Đến giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM có 9 xã, phường thuộc diện khuyến khích sắp xếp.
Nâng cao đời sống công chức, viên chức
Nếu phương án sắp xếp của TP được đồng ý theo hướng 49 phường do yếu tố đặc thù nên thuộc diện không cần sắp xếp thì trong 7 năm từ 2023 - 2030, TP.HCM sẽ phải sắp xếp lại 80 phường, xã. Để tránh xáo trộn, TP.HCM đã xây dựng 38 phương án các đơn vị cấp xã trên địa bàn 10 quận. Trong đó, có 6 phương án sáp nhập nguyên trạng 3 phường, 23 phương án sáp nhập nguyên trạng 2 phường và 9 phương án điều chỉnh địa giới để thành lập phường mới.
Tại cuộc họp với Sở Nội vụ TP (ngày 9-4), Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho hay khi xem xét sắp xếp một đơn vị hành chính, TP.HCM vận dụng theo Luật Đô thị, một quận có tối thiểu 10 đơn vị hành chính, còn lại sắp xếp dựa trên dân số làm sao phân bố cho đồng đều, bảo đảm cơ sở hạ tầng như trường học, y tế, các hoạt động văn hóa thể thao đều được bố trí.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho hay đến tháng 6-2024, TP.HCM sẽ trình đề án sắp xếp. Những vấn đề vướng mắc về tâm lý, tư tưởng, sắp xếp cán bộ, tài sản, kinh phí thì TP sẽ giải quyết trong thẩm quyền.
Trong báo cáo trước đây gửi Bộ Nội vụ, UBND TP.HCM cũng nêu một số hạn chế trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn TP. Theo đó, do số lượng phường, xã sắp xếp lớn nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Các đơn vị cấp huyện, cấp xã có diện tích rất nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn, vượt rất nhiều so với quy định, có xu hướng tăng gấp bội qua từng năm và đặc biệt dự báo tiếp tục tăng rất nhanh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sau sắp xếp, diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các đơn vị sẽ rất lớn, khối lượng công việc rất nhiều nhưng chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức không tăng gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.
Có ý kiến về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng TP.HCM đã đưa ra phương án tối ưu, phù hợp với đặc thù của TP. Bộ Nội vụ thống nhất với phương án sắp xếp của TP.HCM, đó là sẽ sắp xếp lại 80 phường, giảm 39 phường.
Bà Trà đề nghị TP cố gắng việc sắp xếp vừa thận trọng, chặt chẽ, bài bản, khoa học nhưng bảo đảm yêu cầu quan trọng nhất là sự thống nhất và đồng thuận trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng dân cư cũng như người dân trong địa bàn.
Từ đó, thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống cán bộ công chức, viên chức và quan trọng hơn là thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển với vai trò đầu tàu, động lực của TP.HCM, dẫn dắt sự phát triển của đất nước. TP cũng cần cố gắng đưa ra được phương án sắp xếp công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách.
Cả nước dự kiến giảm 14 huyện, 619 xã
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết theo phương án tổng hợp từ 56 tỉnh, thành phố thì trong giai đoạn 2023 - 2025, tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 50. Trong đó, có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề, dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị.
Tổng số xã, phường thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết. Như việc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị còn gặp nhiều khó khăn do phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Thời gian thực hiện sắp xếp gấp, đồng thời phải tiến hành chặt chẽ, qua nhiều thủ tục nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo hai tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Còn theo Bộ Nội vụ, qua tổng hợp, các địa phương cũng nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc như Bắc Kạn, Bình Định, Đắk Lắk, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình... nêu về bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ với cán bộ dôi dư.
Cùng với đó, một số địa phương phản ánh việc sắp xếp cũng ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, tác động đến tâm lý của đội ngũ cán bộ và nhân dân. Một số tỉnh cũng phản ánh về việc xử lý đất đai, trụ sở, cơ sở vật chất, tài sản công dôi dư, chuyển đổi giấy tờ cho người dân...
Tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước. Rút gọn và thực hiện đồng thời các quy trình, thủ tục để bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Các bộ, ngành trung ương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc xây dựng đề án sắp xếp của từng địa phương cũng như quá trình thực hiện sắp xếp.
Cùng với đó, làm tốt công tác truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể có liên quan, bị tác động và ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp.
* TS NGUYỄN TIẾN DĨNH (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ): Cần lắng nghe ý kiến nhân dân, cán bộ, đảng viên
Tôi cho rằng các địa phương cần phải căn cứ vào các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiến hành sắp xếp. Vì đây là chủ trương chung rất hợp lý. Thực tế, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc, gây ra sự xáo trộn, tâm lý nhất định trong cán bộ, nhân dân.
Do vậy, với TP.HCM hay Hà Nội cũng như các địa phương khác cần phải xây dựng đề án, báo cáo cụ thể cấp trên để xem xét, quyết định. Tức là không tiến hành sắp xếp một cách cơ học mà cần phụ thuộc, xem xét nhiều yếu tố, trước hết căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó, các địa phương như TP.HCM, Hà Nội... cần tuyên truyền rõ sự cần thiết, lợi ích về chủ trương đúng đắn này với cán bộ địa phương, nhân dân. Trong đó, trước khi làm đề án thì quan trọng nhất cần lắng nghe, xin ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân về việc sáp nhập hay không sáp nhập. Cùng với đó, việc lấy tên gì cũng cần lấy ý kiến để có sự đồng thuận, đảm bảo vấn đề truyền thống, văn hóa, phù hợp với địa phương.
Tiếp đó là các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị, kiến nghị với cấp trên để thực hiện tốt việc giải quyết về chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư, sử dụng trụ sở, tài sản công... Đây là những vấn đề mà còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc sáp nhập ở giai đoạn trước. Điều quan trọng hơn cả là giảm tối đa những xáo trộn không cần thiết và tạo không gian mới cho địa phương, người dân phát triển.
* TS CAO VŨ MINH (Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM): Tránh làm khó người dân
Các cấp chính quyền cần tính toán và hướng dẫn người dân lộ trình thay đổi, điều chỉnh giấy tờ. Tránh trường hợp người dân phải thay đổi, điều chỉnh giấy tờ liên tục. Điều quan trọng hơn, hiện nay chúng ta đã có cổng xác thực điện tử, trong đó các thông tin về nhân thân của người dân sẽ được cập nhật và cấp xác thực điện tử.
Do vậy, cần quán triệt các cơ quan hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi làm thủ tục điều chỉnh, thay đổi thông tin trên các giấy tờ. Tránh trường hợp nhiêu khê, nhũng nhiễu, đặt ra quá nhiều giấy tờ khác bắt người dân nộp vào. Làm sao thủ tục đơn giản như người dân đi sửa đổi thông tin ở ngân hàng. Với hệ thống thông tin hiện nay, việc này là dễ dàng.
Tình hình thực hiện ở một số địa phương
* Tại Hà Nội, trong đợt sắp xếp này, theo tiêu chí về diện tích, dân số, TP có 173 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên do đặc thù quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tốc độ phát triển đô thị và trình độ phát triển kinh tế nên TP đề xuất phương án giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn ở 20 quận, huyện và thị xã.
Dự kiến sau sáp nhập, Hà Nội còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn. Đến đầu tháng 4-2024, đã có 11 quận, huyện, thị xã công bố đề án sáp nhập phường giai đoạn 2023 - 2025 để lấy ý kiến nhân dân.
Trong đó, quận Hai Bà Trưng sáp nhập 7 phường thành 4. Trong đó, nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân.
Tại quận Thanh Xuân, Thanh Xuân Nam và Thanh Xuân Bắc sáp nhập thành phường Thanh Xuân Bắc; Kim Giang và Hạ Đình thành phường Hạ Đình. Tại quận Ba Đình, Nguyễn Trung Trực và Trúc Bạch sáp nhập thành phường Trúc Bạch. Do tên gọi Trúc Bạch gắn liền quá trình lịch sử và tên Tiểu khu Trúc Bạch trước đó bao gồm cả phường Nguyễn Trung Trực hiện nay.
Tại quận Hà Đông, ba phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, Yết Kiêu hợp nhất thành Quang Trung. Tại quận Đống Đa, phường Khâm Thiên và Trung Phụng thành Khâm Thiên; nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào Khương Thượng, lấy tên Khương Thượng; một phần phường Ngã Tư Sở nhập vào Thịnh Quang thành Thịnh Quang; nhập một phần phường Trung Tự vào Phương Liên thành Phương Liên; nhập một phần phường Trung Tự vào Kim Liên thành Kim Liên; Quốc Tử Giám và Văn Miếu thành phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
* Còn tại Hải Phòng, theo phương án được công bố, trong giai đoạn này TP sẽ giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã và dôi dư khoảng 1.000 cán bộ. Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hải Phòng có 167 đơn vị hành chính cấp xã (79 phường, 7 thị trấn, 81 xã), giảm 50 đơn vị cấp xã (tăng 13 phường, giảm 3 thị trấn và 60 xã) so với trước khi sắp xếp.
* Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Ninh sẽ thực hiện sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, toàn tỉnh từ 177 còn 171 đơn vị hành chính cấp xã. Quảng Ninh dự kiến trong năm 2024 hoàn thành sắp xếp này.
Người dân không cần đổi giấy tờ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho hay với người dân ở các quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và các xã, phường, thị trấn khi tiến hành sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính mới sẽ không bắt buộc phải làm lại các giấy tờ, trong đó có căn cước công dân. Trường hợp người dân có nhu cầu thì có thể làm lại các giấy tờ để thuận tiện khi giao dịch, sử dụng theo đơn vị hành chính mới.
Cũng theo vị này, việc sáp nhập huyện, xã sẽ thay đổi tên gọi đơn vị hành chính nên một số thông tin của người dân sinh sống ở đó sẽ thay đổi. Do vậy, Bộ Công an sẽ chạy lại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi này. Với một số trường hợp thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, có điều chỉnh cụ thể ở từng trường hợp.
Gần 300 biên chế công chức hành chính được bổ sung vào UBND phường, xã, thị trấn thuộc TP.HCM theo nghị quyết 98 của Quốc hội và theo quy mô dân số, đặc điểm từng địa bàn.