Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 2% trong quý I/2024
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 15/3/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt hơn 109 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ 2023. Dự kiến, tính chung trong quý đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt khoảng 136 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo Công Thương dẫn nguồn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tính tới ngày 15/3/2024, xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 46 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc chiếm 42% tỷ trọng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Đáng chú ý vừa qua vụ xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản có tác động, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hải sản của Hàn Quốc từ Nhật Bản. Hàn Quốc không ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản nhưng tăng cường kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu từ nước này.
Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong thời gian tới khi lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản vẫn chưa thể thoát đà tăng trưởng âm.
Tính tới ngày 15/3/2024, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đạt 25 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ. Vụ xả nước thải hạt nhân có ảnh hưởng tiêu cực tới xuất nhập khẩu thủy sản chung của Nhật Bản, khiến nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản từ Việt Nam sụt giảm rõ rệt.
Tiếp đó, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ ba của Việt Nam. Tính tới ngày 15/3/2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 11 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Nhật Bản sau vụ xả nước thải hạt nhân ra biển của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc tăng nhập hàng từ các nguồn khác trong đó có Việt Nam.
Dự báo xuất khẩu thủy sản phục hồi nhẹ trong năm 2024
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của năm 2023 do nhu cầu thị trường chưa chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Báo Vietnam+ dẫn nguồn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nhận định kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát giảm nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu của các nước, lãi suất cao... vẫn là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, người tiêu dùng sẽ chưa thực sự mạnh tay trong quyết định chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu khó tăng mạnh.
Với những tín hiệu từ cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc... có khả năng phục hồi trở lại trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu hàng thủy sản.
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường thủy sản năm 2024, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep, cho rằng lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Trước những biến động của thị trường Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường của các doanh nghiệp sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại mức 9,5-10 tỷ USD năm 2024; trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 thu về 9,2 tỷ USD
Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tập trung vào: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Trúc Chi (t/h)