Biển Đông là một chủ đề quan trọng trong chuyến đi của ông Marcos tới Mỹ từ ngày 10-4. Theo lịch, Tổng thống Philippines sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Trao đổi với phóng viên trước chuyến đi, ông Marcos đề cập tới hợp tác giữa ba nước, đồng thời tiết lộ sẽ thảo luận về một thỏa thuận Biển Đông.
"Hội nghị sẽ bao gồm nhiều chi tiết hơn về cách thức thực thi quan hệ hợp tác này", ông nói.
Dưới thời ông Marcos, Philippines đã thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ và Nhật Bản. Căng thẳng ở Biển Đông được cho là một trong những tác nhân kéo Philippines, Mỹ và Nhật Bản lại gần nhau hơn.
Dù cùng là đồng minh của Mỹ, việc Philippines và Nhật tham gia họp thượng đỉnh ba bên kiểu này không phải chuyện thường xuyên diễn ra. Đáng chú ý trong thời gian qua, Philippines liên tục phát tin tức về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Marcos đã cho phép tăng gần gấp đôi số căn cứ lính Mỹ có thể tiếp cận ở Philippines. Hiện nay, các đàm phán giữa Philippines và Nhật Bản về chuyện lực lượng hai bên tiếp cận căn cứ của nhau cũng đang diễn ra.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng bác bỏ thông tin về một thỏa thuận ngầm giữa Philippines và Trung Quốc về việc duy trì tình trạng ở Bãi Cỏ Mây, nơi Philippines tố hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế Philippines.
"Thỏa thuận" trên được cho đã được ký dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte. Tháng trước, một phát ngôn viên của ông Duterte xác nhận có thỏa thuận ấy, song ông Marcos nói không hề biết.
Theo ông Marcos, ông cảm thấy "thật kinh hoàng" với suy nghĩ rằng Philippines đã thỏa hiệp thông qua một thỏa thuận bí mật về "lãnh thổ, chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines".
Theo quân đội Trung Quốc, lực lượng này ngày 7-4 đã tiến hành các cuộc "tuần tra tác chiến" tại Biển Đông, cùng ngày các nước Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Úc tổ chức diễn tập quân sự chung trong khu vực.