Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, tại tỉnh Khánh Hòa xảy ra 3 vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục học sinh phải nhập viện, trong đó có 2 vụ xảy ra tại TP Nha Trang, 1 vụ tại thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn). Việc hàng rong vẫn nhan nhản trước các cổng trường khiến phụ huynh vô cùng lo lắng.
Lo nhưng không biết làm sao
Theo ghi nhận của phóng viên trong các ngày 8 và 9-4, số xe, quán hàng rong trước cổng và xung quanh trường học ở TP Nha Trang vẫn còn nhan nhản.
Chẳng hạn, trước cổng Trường THCS Trần Quốc Toản, những người bán cá viên chiên, kem... dựng xe sát cổng trường để bán hàng mà không có ai nhắc nhở. Còn ở Trường THCS Cao Thắng, các em học sinh vô tư mua đồ ăn từ hàng quán gần đó mang vào trường…
Anh Nguyễn Văn Hùng có con học ở Trường THCS Trần Quốc Toản cho hay rất lo vì không biết chất lượng đồ ăn bán trước cổng trường ra sao.
"Mấy vụ ngộ độc liên quan đến nhiều học sinh gần đây làm tôi lo lắm. Đôi khi mình bận quá phải bắt buộc cho cháu ăn ở cổng trường. Tôi hy vọng nhà trường sẽ mở căng tin để các cháu có thể ăn đồ an toàn hơn", anh Hùng nói.
Có em học lớp 8 Trường THCS Trưng Vương, chị Lê Minh Nguyệt chia sẻ: "Tôi hay cho tiền em mua quà vặt. Em rất thích ăn những món như que cay, trà sữa... Khi ăn xong em thường không muốn ăn cơm. Dù tôi không an tâm lắm, nhưng em thích nên phải chiều".
Mạnh tay hơn trong xử lý hàng rong
Ông Võ Hồng Vân - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa - cho hay những người bán hàng rong thường không bán cố định một điểm, mà hay di chuyển. Họ không được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như chịu sự ràng buộc, kiểm tra từ cơ quan chức năng.
"Địa phương nên rà soát các hộ kinh doanh hàng rong, tăng cường tập huấn và truyền thông trực tiếp với nhóm hộ kinh doanh này, hoặc có thể mời tổ trưởng tổ dân phố truyền thông lại cho họ. Nếu các hộ chế biến thực phẩm đều lưu mẫu và kiểm thực 3 bước thì sẽ dễ truy xuất được đầu vào. Các xã, phường nên mạnh tay hơn trong việc kiểm tra, xử lý hàng rong", ông Vân nói.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP Nha Trang hôm 8-4, bà Phạm Thị Châu Anh - phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang - nói rằng những điểm bán hàng rong buổi sáng cho học sinh thường chế biến từ tối hôm trước; thực phẩm không được bảo quản tốt, quy trình chế biến và đầu vào của thực phẩm rất dễ gây ngộ độc.
Cũng theo bà Anh, việc phối hợp kiểm tra và quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ độc lập tư thục do UBND cấp xã quản lý không được tiến hành thường xuyên. Những cơ sở này có số lượng học sinh ít nên việc hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm chưa nghiêm ngặt.
Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang sẽ kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường thực hiện tốt hơn công tác quản lý đối với giáo dục mầm non ngoài công lập. Đối với cấp tiểu học, sẽ đề xuất tăng cường các lớp tập huấn. Đối với cấp THCS, phòng đang nghiên cứu lại các văn bản liên quan để xem xét việc tổ chức căng tin trong trường học.
Phụ huynh không nên cho trẻ tiền tiêu vặt
Cô Võ Thị Hương Trang - hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 - cho hay nhà trường luôn nhắc nhở học sinh không ăn quà bánh không rõ nguồn gốc, thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn chiều theo sở thích của con, ghé vào các cửa hàng gần trường mua đồ ăn để con mang vào lớp.
"Các phụ huynh nên thay đổi trong việc cho con ăn uống, như cho các em ăn tại nhà hoặc chọn những quán uy tín. Cha mẹ không nên cho tiền để trẻ mua quà vặt, thay vào đó có thể mua bánh kẹo có đủ nhãn mác ở cửa hàng, siêu thị để trẻ có thể ăn vào giờ ra chơi", cô Trang nói.
Gần đây tại Khánh Hòa xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc học đường khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Trong khi căng tin nhà trường được yêu cầu tạm dừng hoạt động thì những xe hàng rong, quà vặt nhan nhản trước cổng trường vẫn chưa được xử lý.