Trong phiên điều trần trước Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ ngày 9-4 giờ địa phương, ông Frank Kendall cho biết đang nỗ lực để bổ sung ít nhất 1.000 máy bay không người lái (UAV) do AI vận hành, đồng thời sẽ ngồi bay thử một trong số chúng vào cuối mùa xuân năm nay.
Chiếc máy bay mà ông Frank Kendall có kế hoạch sẽ ngồi thử là chiếc F-16 phiên bản chuyển đổi thành UAV.
“Một phi công sẽ đi cùng tôi và đóng vai trò là quan sát viên, trong khi công nghệ AI tự vận hành. Hy vọng chúng tôi sẽ không phải điều khiển máy bay”, ông Kendall nói.
Tháng trước, Lầu Năm Góc xác nhận đang tìm cách phát triển các máy bay điều khiển bằng AI, đồng thời đưa ra hai hợp đồng để một số công ty tư nhân tham gia đấu thầu.
Theo Đài Fox News, dự án Máy bay chiến đấu cộng tác (CCA) là một phần thuộc chương trình trị giá 6 tỉ USD nhằm bổ sung ít nhất 1.000 UAV mới cho lực lượng Không quân Mỹ.
Các UAV sẽ được thiết kế để triển khai bên cạnh các máy bay phản lực do con người điều khiển, đóng vai trò hộ tống, với đầy đủ khả năng tấn công.
Theo báo Wall Street Journal, UAV cũng có thể hoạt động như trinh sát hoặc đóng vai trò như trung tâm liên lạc.
Các công ty tham gia đấu thầu hợp đồng bao gồm Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Atomics và Anduril Industries.
Động lực khiến Lầu Năm Góc theo đuổi dự án CCA là nó giúp Không quân Mỹ cắt giảm chi phí.
Hồi tháng 8-2023, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết các phương tiện tự hành hỗ trợ AI được triển khai sẽ cung cấp các đơn vị “nhỏ, thông minh, giá rẻ và nhiều” cho quân đội Mỹ, giúp cải tổ “sự thay đổi quá chậm trong đổi mới quân sự của Mỹ”.
Ông Kendall cho biết việc xây dựng phi đội UAV mới dự kiến có giá rẻ hơn so với phát triển các mẫu chiến đấu cơ phản lực có người lái mới.
Mục tiêu của Mỹ là làm cho UAV có giá bằng khoảng 1/3 hoặc thấp hơn 20 triệu USD để chế tạo máy bay chiến đấu F-35 phiên bản UAV.
Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) sẽ bắt đầu chuyển đổi máy bay chiến đấu F-16 để thử nghiệm tự động. Ba máy bay F-16 đầu tiên đã được căn cứ không quân Eglin ở bang Florida tiếp nhận.
Chương trình có tên Thử nghiệm Viper và mô hình hoạt động thế hệ tiếp theo (VENOM) tập trung vào việc thúc đẩy phát triển phần mềm cho máy bay có người lái và không người lái, đồng thời sẽ bổ sung dữ liệu thu được từ AI.
Chương trình VENOM nằm trong khuôn khổ ngân sách 2024 của Không quân Mỹ, với khoản phân bổ 50 triệu USD. Đến năm 2025, 17 triệu USD sẽ được phân bổ.
Tiêm kích do Hàn Quốc phát triển vừa hoàn thành bài kiểm tra tiếp nhiên liệu trên không với một máy bay vận tải của không quân nước này.