Dù giá cà phê tăng cao, nông dân thủ phủ cà phê Tây Nguyên đang tiếc nhiều hơn vui bởi đa số đã xuất bán sớm ở vùng giá thấp. Theo ghi nhận, hầu hết người trồng cà phê chốt lời ở vùng giá 70.000 - 80.000 đồng/kg. Nguồn cung trên thị trường không còn nhiều, doanh nghiệp thu mua phải chật vật tìm hàng.
Giá cà phê leo thang, nông dân Tây Nguyên quay lại với cà phê
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy giá cà phê nhân xô đầu tháng 4-2024 đã lên hơn 105.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Giá liên tục tăng từ đầu năm đến nay khiến nhiều nhà vườn từng "ruồng bỏ" cây cà phê nay quay lại chăm sóc, phục hồi vườn cây. Nông dân cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào cây cà phê trong bối cảnh giá phân bón đang rất cao cùng chi phí nước tưới gấp ba lần vụ trước.
Chị Nguyễn Thị Oanh (xã Ea Knuếch, Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết mấy năm nay gia đình chị gần như bỏ bê vườn cà phê gần 1ha do giá giảm thấp, thậm chí từng dự kiến sẽ thay cây cà phê bằng loại cây trồng khác. Nhưng từ đầu năm nay, giá cà phê nóng lên, gia đình chị Oanh cho cải tạo lại vườn cây với hy vọng gặt hái niềm vui vào cuối năm.
Theo khảo sát, giá cà phê tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đều đang ở mức trên 105.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đa số nông dân đã xuất bán cà phê từ nhiều tháng trước, khi cà phê ở vùng giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, nguồn hàng còn lại trong dân chỉ vào khoảng 10%. Do đó, không nhiều người hưởng lợi khi giá cà phê chạm đỉnh lịch sử.
Bà Võ Thị Hà (trú phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai), chủ vườn cà phê khoảng 1ha, cho biết khi thấy giá cà phê nhích tăng nhanh từng ngày, gia đình bà đã chốt bán tại vùng giá gần 70.000 đồng/kg. "Không ai lường được giá cà phê lại vượt qua khỏi mốc 100.000 đồng/kg. Bởi vậy, khi giá chạm ngưỡng 70.000 - 80.000 đồng/kg, phần lớn bà con đã bán chốt lời", bà Hà nói.
Theo bà Hà, nếu so với những thời điểm cà phê dao động ở mức giá 30.000 - 40.000 đồng/kg vào những năm trước, giá cà phê hiện nay đã tăng gấp ba lần và được xem là mùa vàng của cây cà phê. "Nhiều nông dân đang hồ hởi tăng cường đầu tư phân thuốc, tưới tắm cho các vườn cà phê và trông đợi giá cao tiếp tục duy trì sẽ bội thu trong những mùa vụ tiếp theo", bà Hà cho biết.
Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp khó
Trong khi nhiều nông dân tiếc nuối vì không còn hàng để bán, các thương buôn và doanh nghiệp thu mua lại đang đau đầu vì giá cà phê quá cao. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không kịp tích hàng, buộc phải mua vào khi giá trên đỉnh để thực hiện các hợp đồng đã ký. Một số doanh nghiệp tại Gia Lai cho biết đang "đỏ mắt" tìm gom cà phê dù giá đang trên đỉnh lịch sử.
Bà Huỳnh Thị Lệ Huyền - giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai, doanh nghiệp chuyên thu mua cà phê - xác nhận rằng lượng cà phê trong dân còn rất ít do đa số đã bán ở vùng giá 50.000 - 70.000 đồng/kg. Ngoại trừ số ít nông dân "nhà giàu" có điều kiện tài chính, không cần tiền mới ghim hàng lại.
Giá tăng quá cao gây ảnh hưởng lớn tới các nhà xuất khẩu. Để có hàng cung ứng, các doanh nghiệp phải mua giá cao từ đại lý. "Do đó, ngoài một số doanh nghiệp lo xa thu mua từ sớm ở vùng giá tương đối dễ chịu, trong vụ này nhiều đại lý và doanh nghiệp vỡ trận, phá sản vì giá cà phê liên tục leo cao, không mua được hàng trả hợp đồng cho đối tác", bà Huyền cho biết.
Theo ông Lê Đức Huy - giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, tháng 3 là thời điểm xuất khẩu kỷ lục với hơn 19.000 tấn đã được xuất bán với giá tốt. Trong khi đó, nguồn hàng trong nước thiếu hụt do mất mùa, người dân chuyển đổi cây trồng nên sản lượng trung bình cả năm của đơn vị sẽ giảm hơn các năm.
"Vài tháng tới, nguồn cung sẽ đứt dù giá đang cao nhưng vẫn còn quá sớm để nói giá cao sẽ tiếp tục giữ được đến vụ sau", ông Huy nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, thừa nhận chưa năm nào giá cà phê cao như năm nay. Giá tăng đột ngột khiến năng lực thu mua của các doanh nghiệp giảm xuống. "Đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp mua xa - bán xa, các hợp đồng tương lai có rủi ro rất cao", ông Hải nói.
Hết "gồng" nổi, các quán tăng giá bán cà phê
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-4, ông Nguyễn Ngọc Luận - tổng giám đốc Công ty Meet More Coffee - cho biết với giá cà phê nguyên liệu trong nước chạm mức 105.000 đồng/kg, không chỉ doanh nghiệp cà phê xuất khẩu "đau đầu", doanh nghiệp sản xuất cà phê thành phẩm cũng lao đao vì giá thu mua cà phê nguyên liệu cao.
Theo ông Luận, giá cà phê biến động "sốc" nhưng việc thu mua nguyên liệu chẳng dễ bởi nông dân bán sạch cà phê từ khi giá cà phê rục rịch tăng. Nhiều đơn vị chỉ dám nhập nhỏ giọt giá cao, chịu lỗ để trả đơn hàng cũ. "Dù giá cà phê nguyên liệu tăng gấp đôi nhưng chúng tôi không thể đàm phán giá cà phê thành phẩm tăng tương tự. Nếu tình trạng giá cà phê nguyên liệu tiếp tục tăng "nhảy dựng", trường hợp xấu nhất sẽ phải dừng sản xuất, đền hợp đồng vì càng bán càng lỗ", ông Luận nói.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho hay từ ngày 20-3-2024, đơn vị này đã điều chỉnh tăng 10-15% giá bán các sản phẩm cà phê, trong đó có giá cà phê tại hệ thống của Trung Nguyên Legend. "Chúng tôi đã nỗ lực sắp xếp, tối ưu các nguồn lực, chi phí để đảm bảo chất lượng sản phẩm, duy trì giá bán ổn định nhưng giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chúng tôi không thể tiếp tục gồng giữ giá", vị này cho hay.
Thị trường toàn cầu có dấu hiệu thiếu hàng
Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, giá cà phê tăng cao là bởi tồn kho năm cũ chuyển qua rất thấp, thị trường có dấu hiệu thiếu hàng từ rất sớm. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, chi phí vận chuyển tăng cao, gây áp lực tới giá cà phê toàn cầu. Ngoài ra, khô hạn ảnh hưởng tới các vùng trồng cà phê toàn thế giới, làm giảm năng suất và sản lượng.
Tại Việt Nam, giá cà phê duy trì mức thấp nên nhiều diện tích cà phê được người dân chuyển đổi sang cây sầu riêng và các loại cây có giá trị cao hơn. Kết hợp thêm yếu tố chiến tranh và cấm vận khiến chi phí vận chuyển tăng cao, gây áp lực tới giá cà phê toàn cầu.
Nhiều người dân tái đầu tư cho vườn cà phê
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết trước diễn biến giá cà phê hiện tại, nông dân đang có xu hướng tái đầu tư và tái canh các vườn cà phê kém hiệu quả.
Trong thực tế, so với các loại cây trồng khác, cây cà phê vẫn mang lại thu nhập ổn định nhất cho nông dân. "Trước đây, địa phương cũng có chính sách khuyến khích nông dân tái canh cà phê nhưng với giá cà phê tăng mạnh hiện nay, người dân không cần khuyến khích mà chủ động triển khai chăm sóc các vườn cà phê", vị này nói.
Khô hạn đe dọa mất mùa cà phê
Bộ NN&PTNT Việt Nam dự báo sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 10%, xuống 1.656 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm, do khô hạn.
Không chỉ Việt Nam, sản lượng cà phê toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thời tiết khô hạn đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng hạt robusta. Theo phân tích của Bloomberg, giá cà phê tăng do nắng nóng cực độ tại Brazil, Việt Nam và Indonesia làm dấy lên lo ngại về nguồn cung và đẩy giá cà phê tăng cao.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê robusta toàn cầu niên vụ 2023-2024 giảm năm thứ hai liên tiếp, từ 76,6 triệu bao xuống 74,1 triệu bao so với niên vụ trước. Đây là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây. Tập đoàn tài chính Marex Group (Anh) dự báo thâm hụt cà phê robusta toàn cầu niên vụ 2024-2025 đạt 2,7 triệu bao, do sản lượng xuất khẩu cà phê tại Việt Nam giảm.
Nhà phân tích Natalia Gandolphi tại Công ty phân tích HedgePoint Global Markets' Intelligence dự báo 4,16 triệu bao cà phê robusta sẽ thâm hụt trên toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 10-2023 đến tháng 9-2024.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê VN tăng mạnh
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết trong quý 1-2024, Việt Nam xuất khẩu 799.000 tấn cà phê, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2023, với kim ngạch 1,9 tỉ USD, tăng hơn 54%. Như vậy, 3 tháng đầu năm 2024 được coi là thời kỳ "hoàng kim" đối với giá cà phê khi liên tục thiết lập các mức đỉnh chưa từng có trong lịch sử.
Theo các doanh nghiệp, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh do nguồn cung cà phê Việt Nam đã cạn, tồn trong kho không nhiều. Nguồn cung tại Brazil - nước xuất khẩu cà phê đứng đầu thế giới - không đạt kỳ vọng, chưa kể sản lượng cà phê của Indonesia - nước sản xuất lớn thứ ba trên thế giới - được dự báo sẽ giảm.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê ở các nước Đông Nam Á đã tăng vọt trong năm qua. Chẳng hạn, nhu cầu ở Indonesia đã tăng gấp đôi, Trung Quốc tăng hơn 130%... vì các chuỗi cà phê tăng trưởng theo cấp số nhân. "Lo ngại tình trạng hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê nên giá cà phê tăng mạnh", một doanh nghiệp nói.
Hàng loạt các quán cà phê đang phải đối mặt với lựa chọn giữ chân khách chịu lỗ hoặc tăng giá cà phê nhưng mất khách.