Nông dân trắng tay vì bị phá hoại
Ngày 08/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Quyên (SN 1978) về hành vi "hủy hoại tài sản". Theo hồ sơ vụ án, tháng 11/2021, Quyên mua mảnh đất 4.700m2 tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) của bà T.V.N.P (ngụ phường 6, TP. Đà Lạt) với giá 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, diện tích đất này lại thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà T.T.L (trú phường 12, TP. Đà Lạt).
Nguyên nhân, trước đó bà T.V.N.P bị Phan Thị Kim Lộc, Nguyễn Ngọc Huyền My và Nguyễn Hà Vy (cùng trú TP.Đà Lạt) lừa dối, làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bất hợp pháp. Sau khi phát hiện sự việc, bà L. đã làm đơn tố cáo lên Công an tỉnh Lâm Đồng. Ngày 17/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lộc, Vy và My về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Khi thấy gia đình bà L. canh tác cây atiso trên phần đất kể trên, Quyên nhiều lần thương lượng mua lại toàn bộ số hoa màu cùng các vật dụng. Đối tượng còn đề nghị bàn giao đất, nhưng phía gia đình bà L. không chấp nhận với lý do đất đang tranh chấp, hiện chờ cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật. Bực tức, trong 2 ngày (14 và 16/12/2021), Quyên thuê người vào chặt phá hơn 2.200 cây atiso, với tổng giá trị tài sản bị thiệt hại trên 114 triệu đồng.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) xảy ra nhiều vụ kẻ gian lén lútphá hoại các vườn cây công nghiệp của người nông dân, gây thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình là trường hợp của ông Chu Huy Luận (ngụ thôn 6, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar). Mặc dù ông không hề mâu thuẫn với bất cứ ai, nhưng vườn điều của gia đình bất ngời đã bị kẻ gian phá hoại không thương tiếc chỉ trong một đêm.
Tại tỉnh Gia Lai, vụ hàng trăm hec-ta mía bị cháy bất thường vẫn chưa lắng xuống thì đến lượt chanh dây, cà phê bị kẻ gian chặt phá khiến người dân bức xúc vào giữa tháng 3/2023. Cụ thể, đêm 13/3/2023 xảy ra vụ chặt phá vườn cà phê của 9 hộ dân ở thôn O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Qua kiểm đếm, hơn 1.000 cây cà phê từ 2 - 5 năm tuổi bị chặt phá.
Điều gây lo lắng cho người dân là tình trạng chặt phá vườn cà phê ở khu vực này đã tái diễn nhiều lần, ở nhiều nơi tại tỉnh Gia Lai, nhưng đều xảy ra ở các vùng hẻo lánh nên quá trình điều tra của cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn.
Hành vi đáng lên án
Tình trạng phá hoại cây trồng không chỉ gây làm thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn gây tâm lý bất an cho người nông dân. Tuy nhiên, để ngăn chặn, truy tìm đối tượng phá hoại rất khó khăn. Bởi, hầu hết các vụ việc thường xảy ra vào ban đêm, tại các khu vực thưa dân cư, nhân chứng, chứng cứ lại hạn chế cho nên việc điều tra, truy bắt thủ phạm như "mò kim đáy biển".
Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn thường phát sinh những mâu thuẫn cá nhân với hàng xóm, láng giềng; hay việc cạnh tranh không lành mạnh trong làm ăn giữa các gia đình cũng tiềm ẩn nguy cơ phá hoại tài sản là cây trồng, vật nuôi... Điển hình là vụ việc ruộng bí ngô của 2 nông dân trên bãi bồi ở xã Lam Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) sắp đến ngày thu hoạch đã bị chặt quả và gốc, thiệt hại hàng trăm triệu đồng xảy ra ngày 21/12/2023.
Nạn nhân là gia đình ông Đinh Văn Huynh (49 tuổi) và Võ Văn Dương (41 tuổi). Theo đó, sáng sớm cùng ngày, vợ chồng ông Huynh ra thăm ruộng bí thì phát hiện nhiều cây héo rũ do gốc bị nhổ, quả bị chặt ngang rụng lên láng giữa ruộng. Ruộng bí này nằm trên bãi bồi rộng 4ha ven sông Lam do 2 nông dân trồng gần 3 tháng trước.
Qua kiểm đếm, công an xác định diện tích bị phá hoại khoảng 1ha với gần 12.000 gốc bí. Điều đau đớn nhất là 2 hộ nông dân trên đã vay mượn khoảng một tỷ đồng để đầu tư, dự kiến quả bí xanh khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch bán Tết thì bị phá hoại, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Tình trạng phá hoại cây trồng diễn ra nhiều năm qua các địa phương trong cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống. Đáng nói, việc điều tra, tìm ra đối tượng phá hoại lại gặp khó khăn do các vườn cây có diện tích rộng, không có bờ rào bảo vệ vững chắc, khó lắp camera quan sát nên kẻ xấu đột nhập mà không bị phát hiện. Chúng cũng thường thực hiện hành vi này vào lúc trời tối hoặc gần sáng, khi chủ vườn trở về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Thực trạng phá hoại cây trồng xảy ra ở các vùng nông thôn khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng.
Nhằm hạn chế tình trạng bị kẻ xấu phá hoại, một số nhà vườn đã thuê nhân công túc trực 24/24 giờ để canh giữ. Mặc dù vậy, nạn phá hoại cây trồng vẫn liên tục diễn ra gây hoang mang, bức xúc cho người nông dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa trong điều tra, xử lý để răn đe các đối tượng; đồng thời giáo dục chung trong xã hội thì tội phạm "nông tặc" này mới dứt điểm.
Trong khi chờ cơ quan chức năng điều tra, xử lý hành vi phá hoại của kẻ gian, các chủ vườn cũng cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên túc trực, bảo vệ tài sản của gia đình. Bên cạnh đó, lực lượng công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhất là ban đêm nhằm kịp thời phát hiện các hành vi phá hoại để kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể, hội nghề nghiệp cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương về hành vi phá hoại tài sản.