Trách nhiệm bên thuê và bên cho thuê dịch vụ quảng cáo tới đâu khi thông tin của họ gây nguy hại cho người khác?
Cẩn trọng không thừa
Một lần tra từ điển tiếng Anh Cambridge trên mạng, màn hình máy tính tôi bỗng hiện ra quảng cáo to đùng bằng tiếng Việt. Nội dung cảnh báo việc nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh. Qua báo chí, tôi được biết Chính phủ Anh đang có tuyên truyền nhằm hạn chế nạn nhập cư lậu, trong đó người Việt là một trong số những đối tượng hướng đến. Và tôi nhận thông tin này vì tôi là… người Việt.
Quảng cáo là hình thức đưa thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với nhiều người, nếu đó là những quảng cáo được đảm bảo về chất lượng thông tin và sự tin cậy của dịch vụ. Khi tra tìm lại một bài viết nội dung cảnh báo lừa đảo kêu gọi từ thiện đăng trên một tờ báo, tôi thấy xen lẫn với các bài báo nội dung cảnh báo còn có nhiều thông tin lừa đảo hiện ra gắn với dòng chữ "được tài trợ".
Không bình thường chút nào khi các trang mạng đang mạo danh cơ quan công an, công ty cảnh báo an toàn thông tin tại Việt Nam nhằm mục đích lừa đảo người dùng mạng lại đang… "được tài trợ"! Chúng xuất hiện nổi bật hơn các tựa tin khác và có thể dẫn dắt, gợi ý người dùng nhấp vào xem dẫn đến bị lừa đảo.
Trước đó nữa, tôi từng thấy có một quảng cáo kèm từ "tài trợ" nhưng nội dung nhập nhèm, mạo danh tổng đài chăm sóc khách hàng để tìm cơ hội "móc túi" tiền cước của các thuê bao nhầm lẫn gọi đến... Nếu không cẩn thận có thể là nạn nhân của các quảng cáo "được tài trợ".
Kiểm soát nội dung: trách nhiệm đến đâu?
Chính sách quảng cáo của G. tìm kiếm ghi rõ (bằng tiếng Việt): "Bạn sẽ không thể chạy những quảng cáo vi phạm chính sách của chúng tôi. Chính sách quảng cáo của G. được thiết kế để nâng cao trải nghiệm tốt cho những người đang xem quảng cáo của chúng tôi, nhằm giúp bạn đạt được thành công với quảng cáo của mình, đồng thời đảm bảo rằng quảng cáo tuân thủ các điều luật hiện hành ở quốc gia mà quảng cáo hiển thị".
Ở trình duyệt web và công cụ tìm kiếm C., nơi đang có 30 triệu người dùng trên máy tính, điện thoại di động và có đăng ký địa chỉ hoạt động tại Việt Nam cũng ghi rõ khuyến cáo về việc các sản phẩm và dịch vụ thông qua hệ thống quảng cáo trình duyệt này không thuộc các trường hợp bị cấm quảng cáo, lưu thông, sử dụng hoặc hạn chế lưu thông, sử dụng theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, cũng như không thuộc trường hợp hàng giả, hàng nhái, sản phẩm lừa đảo, các trường hợp bị pháp luật cấm quảng cáo, dịch vụ sai sự thật, gây nhầm lẫn...
Lời "tuyên bố" kiểm soát thông tin quảng cáo của các nhà cung cấp dịch vụ về quảng cáo ai cũng có thể đọc được. Thế nhưng trên đó có rất nhiều quảng cáo về các sàn giao dịch điện tử tiền ảo, ngoại hối từ banner to ngay trên đầu trang trình duyệt. Và nếu kéo xuống bên dưới sẽ thấy chi chít các khung quảng cáo nhỏ hơn nằm xen kẽ với các tựa báo, nơi người đọc tìm xem nhanh. Người ta có thể chi tiền mua hiển thị tại từng góc to nhỏ, vị trí nào trên trang trình duyệt này để hiển thị.
Trang chủ một sàn tiền ảo lại viết như "ngây thơ không biết gì" khi hứa hẹn: không hướng trang web và dịch vụ của mình đến bất kỳ cá nhân nào ở bất kỳ quốc gia nào mà việc sử dụng trang web và dịch vụ của họ bị cấm theo luật hoặc quy định của địa phương.
Sàn M. có dòng chữ "được tài trợ" trên G. tìm kiếm cũng khẳng định chắc nịch với người tham gia: "M. là cái tên thích hợp dành cho mọi nhà giao dịch, chuyên gia và người mới bắt đầu. Sàn giao dịch được cấp phép tại Việt Nam". Trong khi thực tế đầu tư tiền ảo, ngoại hối trên mạng chưa được cấp phép tại Việt Nam. Người thuê dịch vụ quảng cáo và bên cho thuê dịch vụ quảng cáo "quên" mất điều này?
Có những trang mạng có dấu hiệu mạo danh doanh nghiệp, cơ quan chức năng Việt Nam để lừa đảo người dùng cũng đang gắn với dòng chữ "tài trợ", "được tài trợ". Ngược lại, không phải người dùng mạng nào cũng hiểu ý nghĩa mà cho rằng đây là trang mạng được khuyến khích, gợi ý đến, có độ tin cậy hoặc thuận tiện thì họ bấm vào đọc trước.
Buông lơi trách nhiệm?
Những thông tin "xấu độc" được tiếp sức bởi dịch vụ quảng cáo trên mạng hằng ngày, hằng giờ đang mang theo rủi ro tiền bạc, an toàn thông tin cho người dùng mạng Việt Nam. Nhận biết loại quảng cáo này, nâng cao ý thức về sử dụng mạng là điều mỗi người dùng mạng cần trang bị. Tuy nhiên, những điều tiêu cực về "quảng cáo" như trên khiến không khỏi băn khoăn về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng.
Đối tượng gọi điện giả danh giám đốc, cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông để hù dọa, lừa đảo đang diễn ra ở nhiều tỉnh miền Tây.