Trước phản ảnh của bạn đọc Ngân Hà trên Tuổi Trẻ Online khi đến khám bệnh tại Bệnh viện quận Phú Nhuận, bệnh viện này đã có văn bản giải trình với Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM.
Do nhân sự mới nên hướng dẫn sai
Theo Bệnh viện quận Phú Nhuận, bệnh viện này vẫn tiếp nhân bệnh nhân bảo hiểm y tế đến khám với nhiều chuyên khoa.
Nếu bệnh nhân đã được khám, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường quay lại, quy trình bệnh viện là bệnh nhân sẽ trở lại phòng khám lúc sáng để bác sĩ kiểm tra lại, không phải qua phòng tiếp nhận.
Trường hợp của bạn đọc Ngân Hà, do phòng tiếp nhận là nhân sự mới nên có hướng dẫn sai. Bệnh viện đã chấn chỉnh ngay từ phòng tiếp nhận bệnh nhân, tránh xảy ra việc hiểu lầm và gây bức xức cho người dân đến khám bệnh.
Ban giám đốc Bệnh viện quận Phú Nhuận xin ghi nhận phản ảnh của bạn đọc Ngân Hà. Bệnh viện sẽ chấn chỉnh sớm về sự việc này.
Bệnh nhân bức xúc
Trước đó, chị Ngân Hà, 32 tuổi, ngụ TP.HCM, kể: "Tôi bị ngất xỉu trong nhà vệ sinh vào sáng sớm và đã được người nhà đưa vào Bệnh viện quận Phú Nhuận khám bệnh ngay sau đó".
Tuy nhiên khi đến bệnh viện, chị Ngân Hà đã tỉnh táo, kiểm tra mạch bình thường nên được nhân viên y tế bệnh viện hướng dẫn sang khám bệnh thông thường. Kết quả khám không phát hiện bất thường gì về tim mạch và chỉ thiếu máu nhẹ nên được bác sĩ tư vấn về nhà theo dõi thêm.
Đây là lần đầu tiên chị Ngân Hà bị ngất xỉu đột ngột không rõ nguyên nhân nên bác sĩ đã tư vấn thêm nếu không yên tâm có thể nhập viện để theo dõi thêm hoặc về nhà phải theo dõi kỹ, có bất thường phải nhập viện ngay.
Chị Ngân Hà quyết định về nhà để theo dõi. Chị đã làm thủ tục hoàn tất quá trình khám, được trả lại thẻ bảo hiểm y tế.
Thế nhưng về đến nhà chị Ngân Hà lại cảm thấy buồn nôn. Trước đó, khi đưa vào bệnh viện chị có vết sưng ở đầu nhưng không biết tại sao.
Chị cho rằng có thể là do chị đã té đập đầu vào lavabo sau khi bị ngất. Lúc tới bệnh viện, vết sưng ở đầu không to và chỉ đau khi sờ vào nên chị chủ quan không trình bày với bác sĩ. Người nhà chị không yên tâm, sợ chị bị tụ máu não nên đã đưa chị quay lại Bệnh viện quận Phú Nhuận để khám thêm vùng đầu.
Khi lấy số thứ tự ở quầy đăng ký khám bảo hiểm y tế, nhân viên quầy trả lại bảo hiểm y tế và nói rằng chị đã hoàn thành quy trình khám bảo hiểm y tế trước đó, không thể đăng ký khám bảo hiểm y tế lần 2 ở bệnh viện này.
Nếu muốn khám, chị có thể đăng ký khám dịch vụ hoặc tới một bệnh viện quận khác. Chỉ có trường hợp nguy hiểm cấp bách mới có thể nhập viện cấp cứu. Còn nếu chị vẫn muốn khám bảo hiểm y tế thì thứ hai quay lại.
Chị Hà cho biết: "Tôi hỏi muốn xem quy định này thì có thể xem ở đâu, nhân viên này chỉ trả lời đây là quy định của bảo hiểm y tế nói chung".
"Nếu lần thứ hai trong ngày phải nhập viện cấp cứu thì bệnh nhân vẫn được thăm khám, điều trị theo bảo hiểm y tế. Còn nếu không phải trường hợp cấp cứu thì phải khám dịch vụ. Hoặc bệnh nhân phải chuyển sang bệnh viện khác đăng ký mới được bảo hiểm y tế thanh toán. Tại sao lại có quy định như vậy?", chị Ngân Hà bức xúc.
Khám bệnh lần thứ 2 vẫn được bảo hiểm y tế chi trả
Theo BHXH TP.HCM, với trường hợp của bạn đọc Ngân Hà, khi thấy có dấu hiệu bất thường và quay lại Bệnh viện quận Phú Nhuận khám lần 2 ngay trong ngày thì sẽ coi như lần khám bệnh thứ 2, có mức giá thanh toán bảo hiểm y tế bằng 30% so với giá lần 1.
Các chi phí phát sinh trong lần khám bệnh thứ 2 được thanh toán theo thực tế trong phạm vi quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh tỉ lệ chi tối đa cho quản lý quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) từ 5% xuống 4%, phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh. Với đề xuất này ước tính mỗi năm có khoảng 1.100 tỉ đồng được bổ sung cho khám chữa bệnh.