Ngày 11-4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thông tin vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân bị chó tấn công gây thương tích nghiêm trọng.
Người nhà bệnh nhân cho biết cụ bà đang quét ngõ thì bất ngờ bị con chó nhà hàng xóm (nặng hơn 20kg) lao ra tấn công.
Con chó rất hung dữ, liên tục cắn vào vùng mặt và tay, chân. Đặc biệt vùng mặt của bà bị chó cắn bị thương rất nặng. Gia đình đã đưa bà đến cơ sở y tế gần nhà sơ cứu, sau đó bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để phẫu thuật.
Theo bác sĩ Vũ Giang An - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nạn nhân bị chó cắn vào vùng mặt, tất cả các vết thương đều hở, chảy nhiều máu.
"Tại vùng miệng bị rách toàn bộ môi dưới thông lên khoang miệng. Trên vùng mắt có vết thương mi dưới mắt trái rách xuống cánh mũi, lộ xương. Vì vết thương rất lớn nên chúng tôi phải khâu gần 70 mũi.
Những vết thương này nguy cơ nhiễm trùng rất cao, vì vậy trong quá trình làm bác sĩ phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ để cắt lọc, làm sạch để tránh nhiễm trùng. Hiện tại sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại", bác sĩ An thông tin.
Bác sĩ Trần Quang Đại, phòng tư vấn tiêm chủng vắc xin - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thông tin thêm với trường hợp cụ bà, do vết thương ở vùng mặt nên ngoài tiêm phòng uốn ván, bệnh nhân cần được tiêm phòng dại đầy đủ cả vắc xin và huyết thanh kháng dại.
"Thời gian qua bệnh viện thường xuyên tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến tiêm phòng dại do chó mèo và cả động vật hoang dã cắn. Trong sáng 9-4 vừa qua đã có 20 người dân đến tiêm vắc xin phòng dại và 5 trường hợp tiêm huyết thanh kháng dại.
Vì vậy, để tránh những trường hợp đáng tiếc, người dân khi bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại vết thương và tư vấn tiêm phòng dại. Đặc biệt là tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.
Nếu người dân bị chó cắn vào các vị trí như: đầu mặt cổ, bộ phận sinh dục, đầu bàn chân bàn tay hay các trường hợp đa chấn thương với vết thương rộng, sâu phải đi tiêm phòng dại ngay, đầy đủ cả vắc xin và huyết thanh kháng dại", bác sĩ Đại khuyến cáo.
Cảnh báo bệnh dại bùng phát vào mùa hè
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái (10 ca). Bộ cũng nhận định bệnh dại có thể gia tăng trong thời gian tới, trong đó nguyên nhân lớn do tỉ lệ tiêm phòng dại chó mèo thấp, có nơi dưới 10%.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mùa hè nắng nóng là thời điểm những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Nguyên nhân gây bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo mắc bệnh dại cắn người, lây truyền bệnh dại sang người.
Để chủ động phòng chống bệnh dại mùa nắng nóng, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa lại bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Lưu ý hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương.
Đồng thời, người bị cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm ngừa dại kịp thời.
Nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ chưa biết nói, phụ huynh khó có thể nhận biết con mình bị chó mèo cào/cắn với vết thương nhẹ. Vậy làm sao để phòng bệnh dại ở trẻ nhỏ, trước nguy cơ bị con vật gây thương tích?