Tại Nhật Bản, chuỗi siêu thị đồng giá 100 Yên chẳng còn xa lạ gì với người dân. Thế nhưng với việc đồng Yên mất giá, lạm phát tăng lên đã khiến vô số những cái tên nổi tiếng buộc phải nâng giá sản phẩm. Trong khi Daiso, chuỗi siêu thị đồng giá lớn nhất Nhật Bản, và Can Do đều đã phải nâng giá thì Seria, hãng lớn thứ 2 trong ngành lại chấp nhận hy sinh lợi nhuận vì thương hiệu.
Trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản cố gắng đưa nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ giảm phát thì Seria vẫn tin rằng người tiêu dùng vẫn ưa thích các món đồ giá rẻ chất lượng tại chuỗi siêu thị đồng giá của mình.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay người Nhật đang ngày càng kén chọn khi tiêu dùng hơn trong bối cảnh thu nhập không đuổi kịp lạm phát còn đồng Yên mất giá. Bởi vậy câu chuyện Seria chấp nhận hy sinh lợi nhuận để phục vụ người tiêu dùng, giữ vững cam kết thương hiệu của mình đáng được tôn trọng.
"Người dân Nhật Bản có thể chấp nhận giá cả tăng ở những mảng như nhà hàng bởi họ không đi ăn ngoài thường xuyên. Tuy nhiên việc mua sắm hàng ngày lại là một vấn đề khác khi giá cả là thứ được cân đo đong đếm kỹ lưỡng", Chủ tịch Eiji Kawai của Seriacho biết.
Ngày nay, những siêu thị đồng giá 100 Yên, bán mọi thứ từ đồ gia dụng cho đến tác phẩm gốm sứ đã trở thành một biểu tượng cho rủi ro giảm phát tại Nhật Bản khi nhu cầu yếu khiến các doanh nghiệp phải hạ giá bán.
Thế nhưng tình hình đã thay đổi khi lạm phát đi lên và người dân bắt đầu kén chọn hơn khi mua hàng. Việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) chấm dứt 17 năm lãi suất âm được dự đoán sẽ tạo nên một cú hích mới cho thị trường này.
Với Seria, chuỗi siêu thị có 2.000 chi nhánh khắp cả nước này đang nhìn thấy cơ hội mở rộng thị phần trong bối cảnh mới. Tất nhiên, mọi cơ hội nào cũng có rủi ro khi Seria đang phải hy sinh lợi nhuận để không tăng giá sản phẩm.
Theo Chủ tịch Kawai, trong khi Seria giữ giá 100 Yên ở nhiều mục sản phẩm thì các đối thủ đã buộc phải tăng lên 300-500 Yên vì lạm phát đi lên, đồng Yên yếu khiến chi phí gia tăng.
Đồng nghĩa với tinh thần giữ nguyên giá này là lợi nhuận ròng của Seria đang giảm. Báo cáo quý IV/2023 cho thấy lợi nhuận ròng của hãng đã giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 7,4 tỷ Yên.
Tinh thần thép
Tờ Nikkei cho hay hầu hết những ông lớn trong ngành siêu thị đồng giá như Daiso, Can Do đã nâng giá sản phẩm lên bình quân 300 Yên mỗi món.
Thế nhưng Seria thì lại đang giữ vững tinh thần thép bởi mục tiêu của hãng không phải chỉ là lợi nhuận nhất thời.
"Mục tiêu của chúng tôi là soán ngôi Daiso tại Nhật Bản. Khách hàng đang đổ về từ Daiso sang Seria để mua hàng giá rẻ hơn", Chủ tịch Kawai tự tin nói.
Để làm được điều này, Seria đã thu thập được một lượng lớn dữ liệu sản phẩm cũng như nhu cầu tiêu thụ của khách hàng qua nhiều năm, nhờ đó dự đoán chính xác được lượng cung cầu cần thiết để giảm tối thiểu chi phí tồn kho.
Động thái của Seria diễn ra trong bối cảnh mức lương của lao động Nhật Bản tăng mạnh nhất 33 năm qua, nhưng vẫn chưa đủ để chống lại ảnh hưởng từ lạm phát phát và việc đồng Yên mất giá. Chỉ số lạm phát cơ bản đã có 23 tháng liên tiếp vượt mức 2% mục tiêu của BoJ.
Số liệu chính thức cho thấy lạm phát tăng đã bóp nghẹt nhu cầu tiêu dùng ở Nhật Bản khi chỉ số tiêu dùng cá nhân giảm xuống (-1%) trong quý IV/2023.
Tồi tệ hơn, mức lương đã tính theo lạm phát tại Nhật cũng giảm 23 tháng liên tiếp, làm lu mờ thông tin tăng mạnh nhất 33 năm ở trên, qua đó cho thấy thu nhập của lao động không theo kịp đà tăng giá của các mặt hàng.
Khảo sát của Nikkei vào tháng 3/2024 cho thấy 24,77% số người được hỏi họ cho rằng mức tăng lương khó có thể vượt mức tăng lạm phát trong mùa hè này.
Chính điều này đã làm tăng sự tự tin cho Seria khi Chủ tịch Kawai tin tưởng người dân sẽ tăng cường tìm kiếm các mặt hàng giá cả phù hợp.
*Nguồn: Nikkei