Cuối giờ chiều 11.4, TAND TP.HCM tuyên tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lan phải chịu là án tử hình.
Tòa buộc Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến giữa tháng 10.2022, tương đương số tiền hơn 673.800 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo phải chịu hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Theo tòa, quá trình giải quyết vụ án, HĐXX thu thập sổ tay ghi chép của các trợ lý bị cáo Trương Mỹ Lan, cho thấy số tiền 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD chở về tòa nhà Vạn Thịnh Phát không chỉ từ SCB mà còn nguồn gốc trái phiếu. Do đó, HĐXX đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, tiếp tục làm rõ sai phạm quanh số tiền này (nếu có), để làm căn cứ giải quyết trong giai đoạn 2.
Ngoài ra, theo tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan lấy tiền từ SCB đầu tư, chuyển nhượng nhiều dự án đang bị kê biên, không có hồ sơ pháp lý rõ ràng. Do đó, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ số bất động sản, dự án liên quan bị cáo Lan chưa được giải quyết trong vụ án để xác định đúng bản chất, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc kê biên khắc phục hậu quả.
Cũng theo tòa, thông qua việc xét xử vụ án và một số vụ án gần đây, có tình trạng lợi dụng chính sách pháp luật thông thoáng trong việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, lập công ty nhưng không hoạt động kinh doanh, trốn thuế, thuê người đứng tên, chồng chéo thành viên góp vốn… Việc làm này gây khó khăn cho cơ quan chức năng, khó phát hiện sai phạm.
Chính việc thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, đây là một trong những thủ đoạn mà các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, HĐXX kiến nghị Chính phủ tăng cường quản lý doanh nghiệp, kiểm tra đầu vào và hậu kiểm, tránh thành lập doanh nghiệp để thực hiện mục đích trái pháp luật.
HĐXX còn cho rằng các ngân hàng hằng năm báo cáo không có bất thường nào, nhưng khi các vụ án xảy ra mới phát hiện âm vốn chủ sỡ hữu. Trong vụ án, SCB thuê các công ty kiểm toán lớn nhưng không cho thấy điểm bất thường nào, HĐXX nhận thấy có "bất cập lớn" trong công tác kiểm toán.
Từ đây, HĐXX kiến nghị nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong công tác kiểm toán nhà nước, kiểm toán tại các ngân hàng, đảm bảo minh bạch tài chính. HĐXX đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao trong quá trình giải quyết vụ án giai đoạn 2 làm rõ vai trò các công ty kiểm toán tại SCB, đơn vị kiểm toán liên quan, nếu có căn cứ thì xử lý theo quy định.
Vì thế, tòa kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp cũng như ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu, thanh tra và giám sát đối với các tổ chức tín dụng để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Tòa kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay có khả năng thu hồi.
Tòa kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc cá cá nhân, tổ chức cho bị cáo sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch. Mục đích nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.
Ngoài ra, tòa còn đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo bị truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Xem nội dung cơ bản của bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM tuyên vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát tại đây.