Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 243 triệu trẻ em trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương có nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan đến nắng nóng khi khu vực này chuẩn bị đối mặt một mùa hè với nền nhiệt cao kỷ lục trong những tháng tới.
Cảnh báo về các đợt nắng nóng dữ dội và thường xuyên hơn trong mùa hè năm nay đặc biệt đáng lo ngại trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, vì độ ẩm cao khiến cơ thể khó hạ nhiệt tự nhiên hơn. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, vì trẻ em ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể hơn người lớn nên các em dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt như bệnh hô hấp mãn tính, hen suyễn và các bệnh tim mạch.
Debora Comini, Giám đốc văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, cho biết trong một tuyên bố hôm 11/4: "Trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn trước tác động của biến đổi khí hậu và nhiệt độ quá cao là mối đe dọa tiềm tàng gây tử vong cho chúng. Chúng ta phải cảnh giác cao độ trong mùa hè này để bảo vệ trẻ em và các cộng đồng dễ bị tổn thương khỏi những đợt nắng nóng ngày càng tồi tệ và các cú sốc khí hậu khác".
Bé gái che nắng ở Bangkok, Thái Lan trong đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới 43℃ (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Cảnh báo của UNICEF được đưa ra trong bối cảnh có báo cáo cho rằng tháng 3 là tháng nắng nóng kỷ lục thứ 10 liên tiếp, khiến người dân ở phần lớn bán cầu Bắc và Nam phải hứng chịu nhiệt độ vượt quá mục tiêu khí hậu. Một số quốc gia trong khu vực đang phải hứng chịu nắng nóng mùa hè gay gắt. Nhiệt độ gần đạt mức kỷ lục khi thường xuyên vượt 40℃.
Ở Đông Nam Á, lo ngại về tình trạng nắng nóng cực độ đã khiến các cơ quan chức năng phải đưa ra khuyến cáo hoặc hành động. Bộ Y tế Công cộng Thái Lan kêu gọi người dân đề phòng say nắng sau khi có 2 trường hợp tử vong được báo cáo trong tuần này. Philippines đã đình chỉ các lớp học trực tiếp ở một số thành phố trên khắp nước này vào tuần trước và chuyển sang hình thức học từ xa do nắng nóng. Cơ quan thời tiết Philippines hồi đầu năm cảnh báo rằng năm 2024 có thể là một trong những năm ấm nhất được ghi nhận ở nước này.
UNICEF cho biết, cha mẹ và người chăm sóc được khuyến khích tạo ra những nơi mát mẻ hơn cho trẻ chơi ở nhà và trường học để chúng có thể tránh ra ngoài trời và đảm bảo trẻ em mặc quần áo thoáng khí để giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Tổ chức này cho biết thêm trẻ em nếu có triệu chứng bị sốc nhiệt phải được nhập viện ngay.
Theo dự đoán của UNICEF, tất cả 2 tỷ trẻ em trên thế giới dự kiến sẽ phải hứng chịu tần số sóng nhiệt cao vào năm 2050, bất kể kịch bản phát thải khí nhà kính như thế nào.
Xem thêm: nhc.405402280214042881-meih-yugn-pag-me-ert-ueirt-342-noh-neihk-eht-oc-gnon-gnan/nv.fefac