Ngày 12-4, bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An - cho biết trong đợt nắng hạn đang diễn ra, tỉnh này có hơn 5.000 hộ dân với hơn 22.000 người chịu cảnh thiếu nước.
Trong đó tập trung nhiều nhất tại các xã Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Tân Lập, Phước Lại (huyện Cần Giuộc) và các xã Long Cang, Long Định (huyện Cần Đước), xã Đức Tân, Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ).
Theo bà Khanh, nguyên nhân là do các địa phương trên vẫn đang thiếu các nguồn cung cấp nước tập trung, phải dẫn các đường nước từ nơi khác về.
Trong khi đó nhu cầu sử dụng nước trong mùa khô, nắng nóng tăng vọt và sản lượng cung cấp nước tại các nhà máy cũng chưa được đảm bảo.
Để giúp người dân có nước sinh hoạt, trước mắt các địa phương đã tuyên truyền, hỗ trợ người dân dùng dụng cụ tích trữ nước sinh hoạt, đồng thời huy động các xe cung cấp nước lưu động đến khu vực thiếu nước để cung cấp nước tạm thời.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp các đơn vị cấp nước để điều tiết, đóng, mở các đường ống theo thời gian hợp lý để đảm bảo đồng bộ, không để "nơi thừa nơi thiếu" giúp đáp ứng nhu cầu nước cho người dân sinh hoạt.
Song song đó, Sở này cũng đã tham mưu UBND tỉnh Long An có tờ trình gửi Chính phủ xem xét, hỗ trợ hơn 164 tỉ đồng để phòng, chống hạn mặn năm 2023-2024.
Bao gồm hơn 122 tỉ đồng nạo vét cửa lấy nước của các công trình thủy lợi và hệ thống kênh, mương; 7 tỉ đồng lắp đặt trạm bơm dã chiến.
Đặc biệt là hơn 34 tỉ đồng để kịp thời kéo dài đường ống cấp nước sạch, mua thiết bị trữ nước cho người dân, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.
Tại huyện Cần Giuộc, khu vực Cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập) cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ảnh hưởng lớn đến hoạt động, cảng này đã phải điều động toàn bộ xe sang trạm bơm ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước chở nước về.
Bên cạnh việc đề nghị UBND tỉnh làm việc với các công ty cấp nước có phương án tăng sản lượng tối đa nước về địa bàn, lãnh đạo huyện Cần Giuộc cũng đã kiến nghị cho tái vận hành giếng khoan, hỗ trợ xin gia hạn giấy phép hoạt động giếng khoan và kiến nghị tỉnh cho khoan giếng ngầm để tăng công suất trạm cấp nước...
Kênh rạch khô cạn, đường sụp lún, vườn cây khô héo, người dân phải mua nước ngọt giá đến 50.000 đồng/m3... ở rốn hạn mặn khốc liệt. Có giải pháp căn cơ nào?