Theo báo cáo mới nhất của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô hạn năm nay ngoài việc thiếu nước ở một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long khiến hơn 500.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, thì Sóc Trăng là địa phương duy nhất trong vùng có tình trạng lúa bị ảnh hưởng năng suất và chết do hạn gay gắt và bị mặn xâm nhập.
Đây là những vùng sản xuất nằm ngoài khuyến cáo của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh sớm và cao hơn trung bình nhiều năm.
Tính đến đầu tháng 4 các đợt xâm nhập mặn trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp xuất hiện muộn hơn khoảng 20 ngày.
Về thiệt hại, vụ đông xuân muộn ngoài kế hoạch tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn là khoảng 6.000ha, trong đó có 1.407ha bị ảnh hưởng, thiệt hại hoàn toàn khoảng 43ha.
Ông Lâm Văn Vũ - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú - cho biết tính đến nay toàn huyện có khoảng 37ha lúa đông xuân bị mất trắng do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.
Đây là những vùng sản xuất do người dân sạ chừng 15 - 30 ngày thì thấy bị nước mặn ảnh hưởng nên đã bỏ luôn, không chăm sóc nữa.
Những hộ dân còn để lại cũng bị ảnh hưởng năng suất lúa với các mức độ khác nhau, trong đó ảnh hưởng từ 10% đến 30% là 590,3ha.
Theo ông Vũ, giá lúa năm ngoái lên quá cao là một trong những nguyên nhân khiến người dân gieo sạ dù chính quyền đã có những khuyến cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay sẽ gay gắt.
Với hệ thống thủy lợi của địa phương, việc trữ nước ngọt trong 15 - 20 ngày, nhưng thời gian qua hạn mặn kéo dài hơn hai tháng không có mưa đã làm độ mặn lên rất cao.
Cán bộ ngành nông nghiệp của huyện luôn túc trực để canh nước, chỉ cần độ mặn giảm là mở cống lấy nước vào các kênh nội đồng cho dân bơm lên các ruộng.
“Nếu như trước đây nước mặn ở mức 1,5 đến 1,6‰ là không mở cống lấy nước vô nội đồng, nhưng năm nay phải lấy để cứu lúa và cũng làm hạn chế sạt lở đất như đang diễn ra ở Cà Mau.
Tính trong vòng hơn hai tháng qua, địa phương đã lấy nước ngọt ba lần, trong đó có những lần nước ở mức 1,5 đến 1,6‰, đợt mới nhất chỉ vài ngày trước là 0,6‰”, ông Vũ nói thêm.
Dưới đây là những hình ảnh cận cảnh từ vùng lúa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn gay gắt của tỉnh Sóc Trăng.
Hai tỉnh Tiền Giang, Long An được nhận định chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nặng nhất trong năm nay.