Thủ đoạn hối lộ ‘tinh vi’ trong vụ án buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai
Hoàng Thắng
(KTSG Online) - Hành vi hối lộ giữa các đối tượng trong vụ án buôn lậu xăng giả xảy ra ở Đồng Nai đều thực hiện qua “hộp thư chết" hoặc tài khoản dùng chung - một người gửi tiền và một người rút tiền, theo Thiếu tướng Tô Ân Xô.
Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công An. Ảnh: baochinhphu.vn |
Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết vụ án buôn lậu xăng giả xảy ra ở Đồng Nai được coi là đại án khi Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng quyết định đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi và chỉ đạo vào ngày 18-3.
Về diễn biến vụ án, ông Tô Ân Xô cho biết cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, hôm 8-2, ra quyết định khởi tố vụ án Buôn lậu; sản xuất, buôn lậu hàng giả; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ.
“Quá trình điều tra ban đầu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và có hiện tượng bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả”, ông Xô cho biết.
Về quá trình điều tra, xử lý các đối tượng liên quan tới vụ án, cơ quan điều tra khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội hối lộ. Trong đó, bị can Ngô Văn Thụy - Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - đã bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ vào ngày 17-2.
Vật chứng thu giữ trong vụ án gồm: 14 tàu thủy, 10 xe bồn, 13 ôtô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả, trên 123 tỉ đồng tiền mặt, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng bị niêm phong và hàng chục tài khoản ngân hàng của các đối tượng với số tiền hơn 200 tỉ đồng bị phong tỏa kê biên.
“Vụ án này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, trên quy mô rộng với thủ đoạn tinh vi do có sự tham gia của một cá nhân, tổ chức trong hệ thống, có bảo kê. Điều này khiến quá trình phá án gặp khó khăn”, ông Xô cho biết.
Để phá vụ án này, Công an tỉnh Đồng Nai đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an khi phát hiện vi phạm. Sau đó, Bộ Công an đã cử một phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự có kinh nghiệm đánh án nhiều năm ở khu vực Tây Bắc tham gia vụ án. Đồng thời đưa lực lượng đặc nhiệm vào để thực hiện phá án ở vùng sông nước miền Tây.
“Kết quả đã thành công. Nếu không các đối tượng sẽ tiêu hủy chứng cứ”, ông Xô nói.
Ông cho biết các đối tượng đã có nhiều thủ đoạn chống lại cơ quan điều tra. Cụ thể, hành vi hối lộ giữa các đối tượng không được các đối tượng thực hiện trực tiếp. Mọi giao dịch đều thực hiện qua “hộp thư chết” được đặt ở vị trí cố định - một người đưa một cục tiền vào hàng tháng, một người khác đến nhận. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lập tài khoản để sử dụng chung - một người gửi tiền, còn một người rút tiền.
Hiện vụ án đang mở rộng và có rất nhiều người liên quan, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai làm rõ trong thời gian tới.
Về quá trình triệt phá đường dây xăng giả, đêm 6-2, Công an Đồng Nai đã phối hợp Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an triển khai 14 tổ công tác, huy động trên 500 cán bộ chiến sĩ khám xét khẩn cấp các kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của những người liên quan tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu, TPHCM. Đồng thời bắt quả tang nhóm người đang mua bán qua lại giữa các tàu để nhập lậu xăng với số lượng lớn trên sông Hậu, đoạn thuộc xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long. Công an thu đã giữ hai tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, năm sà lan tải trọng 400-1.000 tấn, sáu xe bồn chứa gần 2,7 triệu lít xăng, bốn thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ sổ sách. Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian từ tháng 8-2020 đến khi bị bắt, nhóm này đã cung cấp ra thị trường 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng. Tới ngày 28-3, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TPHCM và Công an tỉnh Long An đồng loạt khám xét thêm sáu trạm xăng dầu. Các trạm xăng dầu bị khám xét thuộc Công ty TNHH thương mại Huỳnh Khang nằm tại huyện Bình Chánh, TPHCM và doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bình Long nằm tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ nhiều tài liệu, hóa đơn chứng từ liên quan đến đường dây sản xuất buôn bán xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TPHCM) cầm đầu. Ngoài ra, lực lượng công an đã niêm phong, thu giữ toàn bộ tài liệu, đồng thời lấy mẫu xăng tại các trạm xăng dầu trên để kiểm nghiệm chất lượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cũng thi hành hành Lệnh bắt khẩn cấp bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với Lê Hùng Phong, trú tại khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân và Đỗ Văn Ba, trú trên đường số 27, phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM về điều tra về hành vi buôn lậu. |
Xem thêm: lmth.ian-gnod-o-aig-gnax-ual-noub-na-uv-gnort-iv-hnit-ol-ioh-naod-uht/560513/nv.semitnogiaseht.www