Thông tin một số nội dung về đường dây xăng dầu giả đang được mở rộng điều tra ở Đồng Nai tại cuộc họp báo Chính phủ tối 31/3/2021, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, vụ án gây chú ý, quan tâm lớn trong dư luận từ hồi đầu tháng 2 năm nay khi lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, "đánh án".
"Vụ án này cũng có thể coi là một đại án mà hồi tháng 3 vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) đã thống nhất đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Quyết định được đưa ra khi quá trình điều tra ban đầu cho thấy vụ án có biểu hiện của việc buông lỏng quản lý cũng như hiện tượng tiếp tay, bao che, bảo kê cho đường dây này của cơ quan chức năng" - Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
Người phát ngôn Bộ Công an thông tin thêm đầu tháng 3 vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra về nhiều tội danh như buôn lậu, lưu hành, sản xuất hóa đơn, chứng từ giả, đưa nhận hối lộ… Cùng với việc khởi tố vụ án, công an tỉnh Đồng Nai cũng đã khởi tố 52 bị can.
Chánh văn phòng Bộ Công an nêu rất nhiều con số thống kê cho thấy mức độ lớn, quy mô "khủng" của đường dây sản xuất, mua bán xăng dầu giả này như hàng triệu lít hóa chất pha chế xăng giả, hàng trăm tỷ đồng, rất nhiều tài khoản "đen"… đã được phát hiện, phong tỏa để xem xét, xử lý.
Ông Tô Ân Xô nhận định, vụ án cho thấy hoạt động buôn lậu xăng dầu trong đường dây này đã diễn ra thời gian lâu, trên địa bàn rộng, cũng cho thấy có hiện tượng nhiều cơ quan trong hệ thống nhà nước có tham gia. Ông Xô khái quát, những hoạt động này, lâu nay dư luận vẫn gọi tên là "bảo kê".
Thời điểm này, Bộ Công an đã cử một cán bộ là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự có kinh nghiệm hàng chục năm đánh án ở Tây Bắc, từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, phụ trách, chỉ đạo điều tra. Sở dĩ Bộ chọn cán bộ có kinh nghiệm đánh án vì địa bàn xảy ra vụ án là miền Tây, có những điều kiện đặc trưng cần có giải pháp để ngăn chặn các đối tượng tiêu hủy chứng cứ, đối phó với hành vi hối lộ tinh vi.
Tướng Tô Ân Xô cũng chỉ rõ những biểu hiện hoạt động đưa nhận hối lộ tinh vi trong vụ án như các đối tượng tội phạm và người bảo kê không gặp gỡ trực tiếp mà bí mật, sử dụng đầu mối trung gian, chuyển tiền qua những tài khoản thông nhau, đưa từng cục tiền nộp "phế" hàng tháng qua các "chân rết".
Ông Xô thông tin, ngày 17/2, công an Đồng Nai đã khởi tố một cán bộ là Đội trưởng Đội phòng chống buôn lậu miền Nam. Đây chính là 1 đầu mối trong hệ thống cơ quan nhà nước tham gia bảo kê cho đường dây xăng dầu giả.
"Bộ Công an sẽ tiếp tục làm mạnh, mở rộng điều tra vụ án trong thời gian tới, nhất là khi vụ án đã được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khó trả lời được câu hỏi "ai đang nằm trong tầm ngắm".
Tại cuộc họp mới đây (ngày 18/3/2031), Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thống nhất bổ sung 4 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Đầu tiên là, vụ việc sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến một số dự án tại tỉnh Khánh Hòa.
Thứ hai, là vụ án "tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị có liên quan.
Tiếp đó, vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.
Cuối cùng là vụ án "đưa hối lộ; nhận hối lộ; buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ" xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác…
Phương Thảo