Đại biểu Quốc hội mong có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025. Trong ảnh: người dân đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Sau khi tân chủ tịch Quốc hội nhậm chức, dù đánh giá còn nhiều điều phải làm để tạo nên sự đột phá và còn nhiều thách thức phải đối mặt trong hoạt động Quốc hội, các đại biểu đều đặt niềm tin vào sự kế thừa của Quốc hội khóa mới, cũng như vai trò "chèo lái con thuyền" của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Những thách thức đó là gì?
Phải giảm khoảng cách giàu nghèo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đặt hàng: Quốc hội nhiệm kỳ mới phải rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền. Trong đó, Quốc hội phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, điển hình là các đạo luật liên quan đến an sinh xã hội và có những định hướng, chủ trương để Việt Nam phát triển toàn diện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...
Ông Lợi nhận định giải quyết vấn đề trên cũng là cách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng cuộc sống.
"Đây là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 vừa mới được Quốc hội khóa XIV thông qua, và để thực hiện được đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao và bố trí ngân sách để chúng ta giải quyết vấn đề đời sống cho nhân dân" - ông Lợi nói.
Về những thông điệp mà ông Vương Đình Huệ nêu ra khi nhậm chức, đại biểu Lợi đặt niềm tin tân Chủ tịch Quốc hội sẽ thực hiện được khát vọng xây dựng hạnh phúc cho nhân dân cũng như đất nước phát triển toàn diện.
Theo ông Lợi, thông điệp này cũng là "ý Đảng, lòng dân" khi tương đồng với những nội dung đột phá trong nghị quyết Đại hội XIII. Đánh giá tân Chủ tịch Quốc hội là người được đào tạo bài bản, đi qua nhiều lĩnh vực và giữ các trọng trách, đại biểu Lợi kỳ vọng ông Huệ cùng với Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và tập trung vào những đột phá theo tinh thần nghị quyết của Đảng.
Cần phương pháp tiếp cận mới trong xây dựng luật
Nhận định Quốc hội khóa mới phải thực hiện "sứ mệnh lịch sử", đại biểu Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI) cho rằng trọng trách nặng nề của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu là thể chế hóa đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, khởi động hành trình xây dựng đất nước hùng cường, trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo ông Lộc, đây là một mục tiêu đầy thách thức và đất nước chỉ có thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu vượt khỏi được "bẫy chất lượng thể chế trung bình".
Ngoài ra, ông Lộc cũng mong Chủ tịch Quốc hội sẽ đồng hành với Chính phủ tiếp tục thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ mà trước đó ông Huệ đã từng tham gia kiến tạo khi làm phó thủ tướng là đưa được môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam lọt vào nhóm 3-4 trong ASEAN.
Bên cạnh đó, hiện thực hóa được mục tiêu đất nước sẽ có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025.
"Tôi cũng mong ông quan tâm hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp luật, chính sách đối với 5,4 triệu hộ kinh doanh mà bản chất là các doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam, nơi đang đóng góp tới 30% GDP của nền kinh tế" - ông Lộc nói.
Trăn trở với chất lượng các dự án luật đã ban hành, đại biểu Trần Tuấn Anh (phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM) kỳ vọng Quốc hội khóa mới khi xây dựng luật hay bộ luật cần phương pháp tiếp cận mới và đội ngũ xây dựng luật hay bộ luật phải có sự thay đổi.
Tương tự, cũng cho rằng trong công tác lập pháp vẫn còn những tồn tại khi các dự án luật đã thông qua nhưng "chết yểu", đã ban hành nhưng không thi hành được, đại biểu Phạm Văn Hòa (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) gửi gắm Quốc hội kỳ tới phải cần ban hành các luật "ăn sâu vào lòng dân, được nhân dân tín nhiệm và phải đi vào cuộc sống".
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng đề nghị "không để con sâu làm rầu nồi canh" khi có những đại biểu tham gia vào nghị trường vì tư lợi cá nhân, không đứng về quyền lợi, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân gửi gắm đến người đại biểu để bàn những quyết sách quan trọng của quốc gia.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương):
Cải cách thể chế cho kinh tế tư nhân phát triển
Kỳ họp này chứng kiến rất nhiều tâm tư của các vị đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn tồn tại của đất nước, qua hai phiên thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Trong thời gian tới, tôi đặt kỳ vọng cao vào việc thực hiện mục tiêu quan trọng nhất phải hướng tới trong xây dựng pháp luật là cải cách thể chế để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đặc biệt, cần tiếp tục cải cách thể chế cho quá trình chuyển đổi số bởi đây là một trong những điều kiện, tiền đề quan trọng hàng đầu để đạt tới mục đích thịnh vượng, xây dựng thể chế như thế nào để những doanh nghiệp "đại bàng nội" có thể bay cao bay xa hơn nữa.
Với quyết tâm rất lớn về chất lượng đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi tin tưởng và kỳ vọng về một Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục tạo nên một mốc son mới trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.
Riêng với tân chủ tịch Quốc hội, tôi tin tưởng ông Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành tựu quan trọng của Quốc hội khóa XIV cũng như các khóa trước, điều hành hiệu quả và chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Tôi tin ông tiếp tục sẽ là trung tâm đoàn kết của Quốc hội, gợi mở và lan truyền cảm hứng để tất cả các vị đại biểu Quốc hội phát huy hết tâm sức, trí tuệ cống hiến cho Quốc hội Việt Nam, thực sự là người đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
TTO - Chiều 31-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu một số phó chủ tịch Quốc hội.
Xem thêm: mth.61534328010401202-iom-aohk-ioh-couq-ohc-oan-hcaht-uht/nv.ertiout