Lãi suất sẽ ổn định đến cuối năm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Trương Văn Phước - thành viên chuyên trách Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến câu chuyện áp lực về lạm phát khi giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu nhập khẩu liên tục tăng.
Ông Phước nói: Mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế chứ không phải vấn đề lạm phát.
* Tới đây vắcxin COVID-19 phủ rộng hơn, "kinh tế thế giới trở lại", các chuyên gia nhận định thế nào về xu hướng giá hàng hóa, vốn, điều đó tác động thế nào đến kinh tế trong nước?
- Hàng tỉ USD đã được nhiều nước chi cho vắcxin để phòng chống dịch COVID-19, việc tiêm vắcxin rộng rãi cũng được nhiều nước lên kế hoạch. Đã le lói ánh sáng cuối đường hầm, thắp lên hi vọng kinh tế thế giới phục hồi. Nhưng kinh tế từ suy giảm chuyển sang tăng trưởng sẽ có vấn đề của nó.
Trong năm 2021, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng dương ít nhất 5,5%, sau khi tăng trưởng âm trên 4% vào năm 2020. Điều này có nghĩa nhu cầu về mọi thứ sẽ cao hơn, không ế ẩm như trước. Dự báo giá hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới cả năm tăng trung bình khoảng 20%. Riêng giá dầu, trong 3 tháng qua đã tăng gần 30%, giá thép tăng trên 12%...
Lạm phát toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng ở mức 2,9% so với 2,6% năm 2020. Nhưng tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển, lạm phát được dự báo ở mức 4,2%, cao hơn bình quân chung của thế giới. Tăng trưởng kinh tế cũng kéo theo nhu cầu vốn tăng lên, đặc biệt khi lãi suất USD sẽ ở mức 0% ít nhất trong 2 năm nữa.
Với kinh tế Việt Nam, thành công trong chống dịch COVID-19 đã giúp cho kinh tế tăng trưởng 2,93% trong năm 2020, tạo ra niềm hi vọng lớn để có thể có tăng trưởng theo dự báo ít nhất là 6,5% trong năm 2021 và lạm phát có thể kiểm soát quanh mức 4%.
TS. Trương Văn Phước
* Nhiều nước tung ra các gói hỗ trợ kinh tế nhiều tỉ USD, trong khi Mỹ giữ lãi suất USD ở mức thấp đến hết năm 2023, sẽ gây áp lực lớn về lạm phát đối với kinh tế thế giới?
- Chỉ riêng Mỹ, tính từ đầu năm 2020 đến tháng 3-2021 đã có 3 gói cứu trợ tổng cộng 5.300 tỉ USD. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng thông báo giữ nguyên lãi suất 0% đến hết năm 2023. Về lý thuyết, tiền ra thị trường nhiều sẽ làm giá cả tăng lên. Nhưng tăng bao nhiêu, ở mức nào thì nhà nước sẽ can thiệp là vấn đề mọi người quan tâm. Nếu đại dịch COVID-19 đã đặt ra "trạng thái bình thường mới", trong điều hành tiền tệ cũng có sự linh hoạt kiểu "bình thường mới".
Trong năm 2020, FED đã thay đổi quan điểm truyền thống. Theo đó, nếu khả năng lạm phát mục tiêu vượt quá 2%, cơ quan này sẽ tăng lãi suất để ngăn ngừa. Còn quan điểm "bình thường mới" là trong khoảng thời gian của chu kỳ, FED chấp nhận có năm lạm phát cao hơn 2% nhưng vẫn không tăng lãi suất.
Đó là lý do vì sao dự báo cuối năm 2021 lạm phát của Mỹ tăng lên 2,4%, vượt qua lạm phát mục tiêu 2% nhưng FED vẫn giữ nguyên lãi suất 0%. Thông điệp FED đưa ra là khá rõ ràng: ưu tiên phục hồi kinh tế, chấp nhận có thời điểm lạm phát cao hơn 2% và quan điểm này có vẻ được nhiều quốc gia đón nhận.
* Liệu chúng ta có lo ngại phải "nhập khẩu" lạm phát khi giá hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng, thưa ông?
- Kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhưng không đồng đều ở các quốc gia mà phụ thuộc vào kết quả chống dịch ở từng quốc gia. Các dự báo cho rằng tổng cầu thế giới có tăng nhưng chậm, và lạm phát toàn cầu chỉ tăng khoảng 0,3% so với năm 2020. Đúng là giá xăng dầu, cước vận tải... có tăng nhưng lạm phát không phải là vấn đề đáng quan ngại của nền kinh tế thế giới trong năm nay.
Ngay cả những nền kinh tế phát triển, dự báo mức tăng lạm phát cũng chỉ ở 1,3%, trong đó đã tính tới mức tăng của nhiều mặt hàng tăng giá nhanh trong thời gian qua như xăng dầu, sắt thép, nông sản... Vì vậy, dù xăng dầu có tăng nhưng tôi cho rằng Việt Nam không chịu áp lực quá lớn về hiện tượng "nhập khẩu" lạm phát trong năm nay. Mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới là kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế chứ không phải lạm phát.
* Người gửi VND kêu lãi suất quá thấp, tỉ giá VND/USD lại quá "tĩnh". Với kịch bản "kinh tế trở lại", theo 3 phương án tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tình hình này còn diễn ra?
- COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh khiến hoạt động cho vay bị ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách cơ cấu nợ kể từ tháng 3-2020, tạo điều kiện cho người vay tiền giải quyết phần nào khó khăn về tài chính. Các ngân hàng cũng có cơ hội cấu trúc lại tín dụng và tài chính trước hiện trạng khó khăn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, lãi suất VND cả gửi lẫn vay đều ở mức thấp là dễ hiểu. Việc tỉ giá VND/USD khá ổn định có phần do xu hướng mất giá của USD trên thị trường thế giới, bắt nguồn từ chính sách lãi suất 0% của FED. Vậy lãi suất VND có tăng? Chúng ta chống dịch tốt, tới đây lại có tiêm chủng vắcxin rộng hơn, kinh tế trở lại bình thường nhưng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất và tỉ giá sẽ vẫn ổn định, ít nhất là cho đến cuối năm 2021.
Nhiều dịch vụ công chờ tăng giá
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1-2021 tăng 0,29%, thấp nhất trong 20 năm, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 không đơn giản bởi Mỹ và nhiều nước tung ra các gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới lại tăng mạnh.
Theo tính toán, nếu giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng, CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%. Các chuyên gia về giá cũng nhận định còn nhiều loại dịch vụ công tạm gác lại, chưa tăng giá theo lộ trình do dịch COVID-19 cũng gây áp lực lên mặt bằng giá.
TTO - Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 10 đến 16-2, doanh nghiệp đăng ký hơn 10.300 tờ khai xuất nhập khẩu. Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 1,67 tỉ USD, tăng ấn tượng dù vào dịp nghỉ tết.
Xem thêm: mth.51742138010401202-tahp-mal-uahk-pahn-ol-oc-man-teiv/nv.ertiout