TP Gia Nghĩa gần đây bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý giáo dục mới, trong khi chưa có phương án giải quyết số lãnh đạo dôi dư do sáp nhập trường - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Những ngày này, các hiệu trưởng, hiệu phó dôi dư do quá trình sáp nhập trường ở TP Gia Nghĩa vô cùng bức xúc về việc phân bổ, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương.
Quy trình ngược
Các cán bộ này cho biết TP Gia Nghĩa đang thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập nhiều cấp học trên địa bàn theo chủ trương của UBND tỉnh. Theo đó, các trường quy mô nhỏ, chỉ có dưới 10 lớp học, sẽ phải sáp nhập lại với các trường khác trên cùng địa bàn cấp xã.
Ngoài ra, vì vừa mới được công nhận là thành phố nên Gia Nghĩa cũng phải thực hiện bố trí sắp xếp các phó hiệu trưởng theo quy định tại thông tư số16-2017 của Bộ GD-ĐT. Quy định này nêu rõ các trường tiểu học và THCS có dưới 27 lớp chỉ được bố trí không quá 1 phó hiệu trưởng.
Theo các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường thuộc diện sáp nhập, vì vừa nằm trong diện phải sáp nhập lại vừa phải giảm cán bộ quản lý nên chắc chắn số cán bộ quản lý sẽ dôi dư ra nhiều. Giữa lúc đang lo về việc có được tiếp tục làm công tác quản lý hay không thì TP Gia Nghĩa vừa qua lại tiếp tục tiến hành bổ nhiệm thêm hàng loạt cán bộ quản lý mới.
Một cán bộ quản lý lâu năm trong ngành giáo dục địa phương cho rằng lẽ ra thành phố phải xem xét sắp xếp các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có khả năng dôi dư trước rồi mới tiến hành bổ nhiệm mới.
Tuy nhiên, quy trình này lại bị thực hiện ngược khiến số cán bộ quản lý đáng lẽ được tinh giản lại càng tăng thêm sau khi sáp nhập. Việc này là quá vô lý, vì nhiều cán bộ đã có kinh nghiệm lâu năm nhưng lại không được tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý.
Thiếu giáo viên
Hơn nữa, hiện số học sinh đang ngày càng tăng lên, giáo viên đứng lớp tại nhiều trường còn đang thiếu. Vì vậy việc giữ lại giáo viên là cấp thiết hơn việc bổ nhiệm mới hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
"Việc sắp xếp bổ nhiệm như hiện nay cần phải xem xét lại xem đã hợp lý hay chưa" - một cán bộ quản lý bày tỏ quan ngại.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thịnh - trưởng Phòng nội vụ TP Gia Nghĩa - thừa nhận từ cuối năm 2020 đến nay đã bổ nhiệm, luân chuyển, điều động tổng cộng 12 cán bộ quản lý. Ông Thịnh cho rằng công việc bị ảnh hưởng thì giáo viên sẽ lo lắng, đó là tâm lý chung. Các cán bộ dôi dư sẽ vẫn phải thực hiện sắp xếp theo các quy định.
"Không phải cứ sáp nhập là các cán bộ quản lý ở các trường này sẽ mất luôn vị trí quản lý mà những người này sẽ xuống vị trí giáo viên giảng dạy, trong thời gian ba năm sẽ xem xét tái bổ nhiệm nếu có các vị trí quản lý bị khuyết" - ông Thịnh nói.
Tạm dừng, chờ hướng dẫn
Liên quan đến vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông cho biết hiện tại do đang vướng mắc trong việc triển khai nghị định số 120/2020-NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập và thông tư số 16 của Bộ GD-ĐT, nên theo quan điểm của Sở Nội vụ là tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ quản lý mới nếu chưa thực sự cấp thiết để chờ hướng dẫn của các bộ ngành trung ương.
TTO - Ngày 14-9, học sinh tiểu học của hai xã Tế Tân, Trung Ý cũ sẽ đi học trở lại tại hai điểm trường cũ.
Xem thêm: mth.51705809010401202-neiv-oaig-ueiht-oad-hnal-auht-gnon-kad-aihgn-aig-o-gnourt-pahn-pas/nv.ertiout