Chỉ 14 tháng tại vị, CEO H&M là Helena Helmersson đã trải qua những thách thức mà có lẽ ngay cả những CEO kỳ cựu nhất cũng chưa từng đối mặt trong sự nghiệp.
Cụ thể, bà Helmersson đang phải đối mặt với sự giận dữ của chính quyền Trung Quốc do hãng này đã công khai tuyên bố trên trang web của công ty nói rằng sẽ ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm từ Tân Cương, với lý do lo ngại về vấn nạn bóc lột lao động ở khu vực sản xuất bông.
Sự việc diễn ra vào khoảng thời gian này không thể nào tệ hơn với Helmersson bởi trước đó, bà cũng đang phải đối mặt với việc số cửa hàng buộc phải đóng cửa nhiều chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch và lượng quần áo tồn kho khổng lồ.
"Đây chắc chắn là một năm đầy thách thức. Tôi đã học được nhiều về cách lãnh đạo trong một thế giới rất mong manh không thể đoán trước được điều gì", bà Helmersson trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg.
Những ngày vừa qua, đối mặt với sự giận dữ và làn sóng tẩy chay đỉnh điểm tại Trung Quốc, H&M đã chịu thiệt hại nặng nề: Bị xóa khỏi các ứng dụng bản đồ, các nền tảng thương mại điện tử loại bỏ thương hiệu và 20 cửa hàng phải đóng cửa bởi phía đơn vị cho thuê mặt bằng chấm dứt hợp đồng.
Làn sóng tẩy chay lần này đối với H&H ở Trung Quốc được nhận định là nhanh và mạnh hơn những sự việc tương tự trước đây. Đặc biệt, nó xảy ra ngay khi nền kinh tế Trung Quốc – thị trường lớn bậc nhất của H&M đang dần trở lại bình thường mới sau đại dịch. Trung Quốc chiếm 6% doanh thu quý vừa qua của H&M, biến đây trở thành thị trường lớn thứ 3 sau Mỹ và Đức.
Các thương hiệu phương tây gồm cả Nike, Adidas và Under Armour cũng gặp cảnh tương tự khi tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương. Khu vực này cung cấp 80% nguyên liệu cho Trung Quốc.
Hiện nỗ lực của H&M nhằm xoa dịu cơn giận dữ của người Trung Quốc và khẳng định những cam kết của họ với quốc gia này dường như đều thất bại.
Người đại diện chính phủ Trung Quốc gọi tuyên bố của HM là "một bài diễn văn quan hệ công chúng 'hạng hai', thiếu sự thành thật và chứa những lời nói sáo rỗng". Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng H&M không hề xin lỗi khách hàng.
Dẫu vậy, trên thực tế số lượng cửa hàng H&M bị đóng hiện tại chỉ là 1 phần rất nhỏ trong tổng 502 cửa hàng trên cả nước. Ngoài ra, cơn giận dữ của khách hàng cũng đang có xu hướng giảm dần.
CEO "đen đủi" nhất năm
Helmersson, 47 tuổi trở thành nữ CEO của H&M sau khi kế nghiệp một thành viên trong gia đình nhà sáng lập công ty là Karl-Johan Persson, người hiện là chủ tịch.
Bà Helmersson chỉ vừa mới bắt đầu vai trò khi đại dịch ập tới và chứng kiến cổ phiếu giảm tới 50% trong 6 tuần làm việc đầu tiên. Cổ phiếu công ty hiện đã hồi phục được phần nào.
Ngoài việc giải quyết với những lệnh phong tỏa lan rộng, Helmersson phải đối mặt với một bê bối sau khi một vài nhà thiết kế H&M đặt tên cho 1 sản phẩm mũ chứa từ ngữ mang hàm nghĩa phân biệt chủng tộc.
Dĩ nhiên, Helmersson đã được chuẩn bị rất công phu cho công việc hiện tại của mình ngay từ khi tham gia phòng mua của công ty vào năm 1997. Bà đã giữ chức Giám đốc bền vững trong 5 năm sau khi đúng đầu mảng sản xuất toàn cầu. Bà cũng là COO 1 năm trước khi nắm giữ chức CEO.
Ngoài đại dịch, bà Helmersson còn phải "kế thừa" một lượng hàng dự trữ lớn nhất ở bất kỳ nhà sản xuất quần áo nào – một vấn đề mà H&M đã gặp phải từ 5 năm nay. Bà cũng chứng kiến sự cắt giảm cửa hàng lớn nhất của H&M, tuyên bố kế hoạch đóng cửa tạm thời 300 cửa hàng và giảm 16.000 nhân viên toàn thời gian.
Việc phong tỏa khiến 80% trong số 5000 cửa hàng của HM phải đóng tạm thời vào giai đoạn cao điểm giữa tháng 4. 1.800 cửa hàng đã đóng trong tháng 1, con số này giảm xuống còn 1.050 vào giữa tháng 3 nhưng hiện đã quay lại mức 1.500 cửa hàng.
"Helena và đội ngũ của mình phải làm một công việc vô cùng khó khăn trong một giai đoạn rất thử thách", Persson nói.
Tuy nhiên, Helmersson nói bà hài lòng với cách H&M thích nghi trong thời kỳ phong tỏa. Lượng hàng tồn kho của họ đang ở mức 37 tỷ kroner (4,2 tỷ USD), tương đương 21,5% doanh thu 12 tháng tính tới cuối quý đầu tiên, tăng từ 20,4% trong 3 tháng trước đó. Con số này cao gấp đôi so với của Zara.
H&M không nên loại bỏ Trung Quốc, cùng với Bangladesh là những thị trường sản xuất quần áo lớn nhất. Thách thức của Helmersson sẽ là vượt qua cơn bão và quay lại tập trung vào nhiệm vụ làm sao để sống sót qua đại dịch.
"Sự linh hoạt và tập trung khách hàng là chìa khóa để quản lý trong năm nay và cũng sẽ là chìa khóa cho chúng tôi trong tương lai. Tôi tin rằng sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ khi chúng ta dần dần có thể chứng kiến những lệnh gỡ bỏ phong tỏa được đưa ra".
Nguồn: Bloomberg
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị