Ngành gỗ và dệt may đã có đơn hàng dài hạn trở lại
Hùng Lê
(KTSG Online) - Bất chấp những gián đoạn của chuỗi cung ứng và diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam vẫn đang lấy lại đà tăng trưởng cao khi doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực sản xuất đang nhận đơn hàng trở lại và thậm chí còn tăng vượt cả thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp gỗ nhận đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại. Ảnh minh họa: TL. |
Đơn hàng chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho biết hiện công ty đã có nhiều đơn hàng để hơn 300 người lao động thực hiện đến hết năm 2021.
Ông Sang chia sẻ những khách hàng là nhà nhập khẩu ở thị trường Mỹ và các nước châu Âu của Viet Products đã đặt nhiều đơn hàng trở lại so với năm 2019, thời điểm chưa diễn ra dịch do Covid-19. Không chỉ thế, trong năm nay công ty ông còn có thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ dẫn đến đơn hàng năm 2021 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm này của năm 2019. Theo ông Sang, những khách hàng mới này chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc qua Việt Nam.
Không riêng Viet Products mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ khác cũng cho biết đến nay họ đã nhận được nhiều đơn hàng của nhà nhập khẩu tăng cao trở lại.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cũng cho biết nhiều doanh nghiệp là thành viên của HAWA cho biết đến nay họ đã nhận đơn hàng làm việc đến tháng 7-8, và một số ít thì đã đạt đến cuối năm và được xem là bước tăng trưởng khá tốt ngay cả so sánh với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.
Tương tự, với ngành dệt may, vào thời điểm này năm ngoái nhiều doanh nghiệp của ngành đã lao đao bởi các nhà nhập khẩu ở các thị trường chính như Mỹ và châu Âu,... yêu cầu dừng thực hiện việc sản xuất theo hợp đồng đồng thời cho lưu kho những sản phẩm đã sản xuất vì dịch bệnh do Covid-19 ập đến.
Nhiều tháng liên tiếp sau đó doanh nghiệp còn chật vật hơn khi đơn hàng cạn kiệt và phải xoay xở nhiều cách nhằm cố gắng tạo việc làm để giữ chân người lao động.
Thế nhưng hiện nay ngành này đã cho thấy sự phục hồi rõ rệt khi kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng trưởng dương. Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 3, Tổng cục Hải quan ghi nhận, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu ngành này của Việt Nam tăng thêm 565 triệu đô la, tăng gần 80% so với thời điểm của nửa cuối tháng 2-2021.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 và là Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (AGTEX), cũng cho biết hầu hết các doanh nghiệp hội viên hiện đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 7 và tháng 8. "Nhà nhập khẩu chính vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Số đơn hàng nhận hiện nay tương đương với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh", ông Hồng nói, và cho rằng: "Phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng, có thể do năm ngoái tiêu thụ sụt giảm mạnh nên năm nay tăng trở lại".
Thời gian tới người đứng đầu AGTEX dự báo đơn hàng sẽ tiếp tục tăng khi các nước xuất khẩu như Trung Quốc, Indonesia,... vẫn còn khó khăn vì giá nhân công tăng và ảnh hưởng dịch bệnh...
Tương tự đối với ngành da giày, các doanh nghiệp trong ngành cũng cho biết hiện đã có đơn hàng sản xuất dài hạn trở lại. Đáng chú ý, theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện ngành đang có bước tiến lớn khi các tập đoàn phân phối, chuỗi cung ứng thế giới đã tin tưởng vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cho thấy niềm tin của các đối tác quốc tế vào doanh nghiệp Việt Nam đang được duy trì và củng cố.
Nhiều doanh nghiệp gia tăng sản xuất trở lại. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Doanh nghiệp lạc quan với đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2018
Trên thực tế, việc gia tăng đơn hàng và sản xuất gia tăng trở lại cũng được các công ty, tổ chức nghiên cứu xác nhận qua các cuộc khảo sát của doanh nghiệp.
Ngày 1-4, IHS Markit công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam đã tăng lên 53,6 điểm trong tháng 3-2021 so với 51,6 điểm của tháng trước đó, cho thấy "sức khỏe" của lĩnh vực sản xuất Việt Nam cải thiện mạnh mẽ. Và trên thực tế, theo công ty chuyên cung cấp các thông tin, phân tích và các giải pháp quan trọng cho các ngành và thị trường lớn này, các điều kiện kinh doanh đã cải thiện thành mức tốt nhất trong 27 tháng.
Các dấu hiệu cải thiện này, theo IHS Markit là do nhu cầu khách hàng và thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã giúp hỗ trợ tăng số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng trong tháng 3.
Theo dữ liệu của IHS Markit, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng suốt 7 tháng liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7-2019. Trong một số trường hợp, khách hàng thậm chí còn tăng quy mô đơn hàng trong tháng. Cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu quốc tế đã cải thiện, từ đó số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 11-2018.
Trong khi đó, sản xuất tăng nhanh hơn so với tháng trước. Số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản xuất tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trong tháng 3.
Số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản xuất tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trong tháng 3. Tuy việc làm tăng ở mức khiêm tốn, nhưng IHS Markit cho rằng đây là một mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6-2019. Tương tự như vậy, hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng thành mức cao nhất trong 20 tháng.
Tuy nhiên, theo IHS Markit, những khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu vẫn hiện hữu, khi mà thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài. Những vấn đề liên quan đến nhập khẩu hàng, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và thiếu container chở hàng đã góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng. Và năng lực của người bán hàng đã giảm thành mức thấp nhất trong 4 tháng qua và các công ty đã có thể tăng tồn kho hàng mua.
Tồn kho thành phẩm cũng tăng do nguyên nhân kết hợp của sản lượng tăng và những vấn đề liên quan đến chuyển hàng.
Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, thường do đại dịch Covid-19, khiến chi phí đầu vào tăng mạnh nhanh hơn trong tháng 3. Đặc biệt, giá thép tăng và chi phí nhập các mặt hàng từ Trung quốc cũng tăng. Trong khi đó, giá cả đầu ra đã tăng mạnh trong hơn bốn năm khi các nhà sản xuất đã chuyển bớt gánh nặng chi phí sang cho khách hàng.
Hy vọng về đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc và nhu cầu khách hàng sẽ tăng đã hỗ trợ cải thiện niềm tin vào triển vọng sản xuất trong 12 tháng tới. Hơn nữa, tâm lý kinh doanh đạt mức cao nhất kể từ tháng 7-2019 với gần một nửa số người trả lời khảo sát lạc quan về triển vọng sản lượng.
Doanh nghiệp ngành may mặc cũng nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Ảnh minh họa: TL |
Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nhận định dựa trên mối liên hệ lịch sử giữa PMI và các số liệu chính thức, số liệu mới nhất cho thấy sản lượng ngành sản xuất có thể bảo đảm cho tỷ lệ tăng trưởng hai con số tính theo năm trong quý 1-2021. Điểm đặc biệt khích lệ trong bộ số liệu lần này là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng khi nhu cầu trên thị trường quốc tế có dấu hiệu cải thiện.
“Hy vọng những xu hướng này tiếp tục và đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc đã hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2019. Do đó, lĩnh vực sản xuất có cơ sở để tiếp tục khởi sắc trong quý 2”, ông Andrew Harker dự báo.
Tương tự, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy dự kiến quý 2-2021 so với quý 1-2021, có 51% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 86,2% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 2-2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 1-2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 84,8% và 83,4%.
Về khối lượng sản xuất, xu hướng quý 2-2021 so với quý 1-2021, có 52% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 13,2% số doanh nghiệp dự báo giảm và 34,8% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, xu hướng quý 2-2021 so với quý 1-2021, có 47,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 13,4% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 39,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý 2-2021 so với quý 1-2021, có 37,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 15% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Với những diễn biến về đơn hàng xuất khẩu quay trở lại và sự thích ứng nhanh của doanh nghiệp cùng những thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 khiến giới phân tích tin tưởng rằng ngành sản xuất có thể khôi phục và tăng tốc phát triển trở lại để có thể dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay.
Xem thêm: lmth.ial-ort-nah-iad-gnah-nod-oc-ad-yam-ted-av-og-hnagn/970513/nv.semitnogiaseht.www