Luật sư cho rằng vụ việc bảo vệ dân phố đánh 2 thiếu niên trong phòng giám thị của Trường Nguyễn Văn Tố (Quận 10, TPHCM) là vi phạm nghiêm trọng quyền được bảo vệ của trẻ em và có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Dư luận đang xôn xao xung quanh clip dài hơn 1 phút ghi cảnh 2 thiếu niên liên tục bị bảo vệ dân phố đấm, đá, tát vào mặt xảy ra tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Quận 10, TPHCM).
Về việc này, Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Với các quy định như trên thì hành động của nhóm người trong clip đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ của trẻ em. Dù trẻ em có hành động phạm pháp thì pháp luật đã có quy định để xử lý, nhưng vẫn phải bảo vệ thân thể, tinh thần trẻ em ở mức độ tốt nhất là giáo dục, động viên… chứ không thể dùng bạo lực để xử phạt hay răn đe trẻ em. Nhóm người trên không có chức năng tạm giữ người, điều tra xét hỏi người vi phạm, nếu phát hiện vụ việc thì báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Nhưng nhóm người trên tự ý tạm giữ người, điều tra xét hỏi và đánh đập trẻ em (dù có vi phạm) là dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần đưa các em đi giám định thương tích để xác định mức độ thiệt hại sức khỏe, thân thể, bởi nhóm người bạo lực với các trẻ em có dấu hiệu vi phạm hình sự tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Theo đó, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:.. c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;... e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;... i) Có tính chất côn đồ...
Trường hợp gây thương tích dưới 11% thì nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố hình sự thì Cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành khởi tố theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 155 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.
Trường học là môi trường giáo dục, nhưng để xảy ra hành vi phản giáo dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh học tại trường thì trách nhiệm chính thuộc về hiệu trưởng nhà trường.
Do đó cơ quan quản lý giáo dục địa phương, hội bảo vệ trẻ em, hội cha mẹ học sinh và hội đồng nhà trường cần lên tiếng và có đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của hiệu trưởng theo đúng quy định của ngành giáo dục và pháp luật.