Lục bình nuôi lấn sông, gây ách tắc giao thông đường thủy
Hoài Nhân
(KTSG Online) - Mấy năm nay, lục bình trở thành sinh kế của nhiều hộ dân ở Hậu Giang và nhiều địa phương khác. Người dân tận dụng kênh, rạch để nuôi lục bình lấy nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, ở một số nơi, nạn nuôi lục bình tự phát lấn hết cả một khúc sông đã xảy ra, gây cản trở dòng chảy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông thủy.
Ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, đoạn sông dẫn ra vàm Ngan Dừa, các phương tiện thủy không di chuyển được liên tục gần ba tuần nay. Nhìn từ trên cao, gần ba cây số ở khúc vàm Cái Rắn, đoạn giáp ranh giữa xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) và xã Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang) lục bình ken dày lòng sông, không còn phân biệt được sông và ruộng. Chiều rộng của vàm sông này khoảng 60 mét, nhưng nay tất cả đã phủ đầy màu xanh của lục bình.
Dòng Hậu Giang qua ngã vàm Nga Dừa đã trở thành sông lục bình. Ảnh: Hoài Nhân |
Nhiều phương tiện nhỏ cũng khó khăn lắm mới di chuyển ra khỏi vòng vây của lục bình. Phà Tư Huấn phải nghỉ cả tuần nay vì máy không chạy được lúc lục bình nghẹt sông, còn lúc nước chảy xiết, phải có thêm vài người đẩy thì phà mới chạy được.
Ông Phan Văn Huấn, chủ phà, nói: “Chạy qua đây phải mở hết ga, máy xịt khói đen luôn, mình chạy mà có tới 2-3 người phụ đẩy. Mấy bữa trước ghe qua nhiều lắm còn bữa nay người ta biết sông đã bị tắt nghẽn, ai cũng tìm né đi đường khác, chỉ ghe lớn lắm mới dám vào”.
Đây là kênh tự nhiên nên có đoạn bồi, đoạn lở, vì thế dòng chảy không thẳng, dễ ùn ứ. Hai bên khúc sông này, người dân đã rào chắn hết để nuôi lục bình, rau nhút; mỗi bên, bà con nuôi lấn ra hơn giữa sông làm tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng.
Lục bình vây kín lối, khó có chiếc phà nào qua lọt mà không mượn 2-3 người đẩ . Ảnh: Hoài Nhân |
Trong khi đó, bà con cũng cho biết, từ cả tháng nay, ngành nông nghiệp đã đóng các cống ngăn mặn để trữ nước ngọt cho nên dòng chảy nước càng yếu, lục bình càng sinh sôi nảy nở. Chuyện này thì người dân càng không tự xử lý được.
Một đoạn sông giáp hai tỉnh Hậu Giang – Bạc Liêu phủ kín lục bình do người dân hai bên sông nuôi thả. Ảnh: Hoài Nhân |
Đây lại là đoạn giáp ranh hai tỉnh Hậu Giang và Bạc Liêu nên việc xử lý dứt điểm cũng cần có sự phối hợp giữa hai địa phương. Ngay cả trên nhiều tuyến sông lớn như sông Cái Lớn, người dân hai bên cũng trồng lục bình lấn ra sông, rất dễ dẫn đến ùn tắc. Tuy nhiên, đây lại là sinh kế của người dân nên việc xử lý dứt điểm đang gặp nhiều trở ngại.
Việc trồng lục bình để phát triển kinh tế là điều tốt nhưng với các tuyến kênh chính có lưu lượng ghe xuồng lớn, tình trạng lấn dòng này còn dễ xảy ra tai nạn giao thông. Thời gian qua, các địa phương cũng đã vào cuộc xử lý như trục vớt, rào chắn… nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn tái diễn.
Ông Hồ Văn Khâm, Phó chủ tịch UBND xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, nói: “Chúng tôi cũng vận động người dân sống ở hai bên sông rạch trồng lục bình, rau nhút không được lấn quá mức dòng chảy. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với xã bạn bên Bạc Liêu để vận động người dân tuân thủ để có thể giúp khai thông dòng chảy”.
Ông Lê Thanh Việt, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang, nói: “Trước mắt, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phổ biến giáo dục giao thông đường thủy nội địa và các văn bản có liên quan bằng nhiều hình thức để hạn chế tình trạng lấn chiếm. Sở cũng sẽ phối hợp các địa phương, rà soát, thống kê các khu vực có các cá nhân, tổ chức nuôi trồng lục bình lấn chiếm lòng sông để thực hiện an toàn đường thủy”.
Quy định của UBND tỉnh Hậu Giang về hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ sông kênh rạch; hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ban hành từ ngày 13-6-2013: Với các con sông có chiều rộng từ 100 mét trở lên thì chiều rộng của luồng lưu thông cho các phương tiện là 85 mét. Mọi hoạt động kinh doanh và sản xuất chỉ được 15 mét mỗi bên tính từ mép bờ trở ra. Riêng đối với các kênh, sông nhỏ hơn thì chiều dài luồng tính từ mép bờ trở ra không quá 10 mét. Quy định này áp dụng cho các hoạt động trồng lục bình tự phát tại các tuyến sông, kênh rạch trên toàn địa bàn. |
Xem thêm: lmth.yuht-gnoud-gnoht-oaig-cat-hca-yag-gnos-nal-ioun-hnib-cul/201513/nv.semitnogiaseht.www