Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định Cung thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt, không nên phá hủy - Ảnh: T.ĐIỂU
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, Hà Nội vừa khởi công xây dựng cung thiếu nhi mới với quy mô 10.000m2, đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng tại quận Nam Từ Liêm. Dư luận rất hoan nghênh việc Hà Nội có sự đầu tư tốt hơn cho thiếu nhi bởi quy mô dân số hiện đã quá lớn, cung thiếu nhi cũ không đáp ứng đủ cho thiếu nhi toàn thành phố.
Tuy nhiên, dư luận quan tâm đặt câu hỏi về số phận của cung thiếu nhi cũ, và câu hỏi này chưa được lãnh đạo thành phố trả lời thấu đáo.
Văn bản của Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định vị trí "đất vàng" của cung thiếu nhi cũ khiến nhiều người cảm thấy bất an cho số phận của một địa chỉ văn hóa lịch sử đặc biệt đã gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi thủ đô.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam còn khẳng định Cung thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt, cùng với các di sản kiến trúc khu vực hồ Gươm.
Theo hội, trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2015, quần thể xung quanh tòa nhà Pháp cổ thuộc Cung thiếu nhi Hà Nội (tòa nhà Ấu Trĩ Viên xưa) được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.
Hiện nay, do quá trình sử dụng lâu dài, nhiều hạng mục của Cung thiếu nhi (xây dựng vào những năm 1970 do Tiệp Khắc giúp đỡ) đã xuống cấp, cần cải tạo, nâng cấp.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị giữ nguyên toàn bộ công trình kiến trúc thuộc Cung thiếu nhi Hà Nội. Lý do là Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị, có ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, độc đáo, hài hòa với cảnh quan xung quanh, góp phần quan trọng vào tổ chức không gian khu vực hồ Gươm.
Nó còn là công trình tiêu biểu, có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại trước Đổi mới.
Cung còn có giá trị văn hóa phi vật thể, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, tình yêu thương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô dành cho thiếu nhi trong giai đoạn đất nước còn khó khăn.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội là tài sản công nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không nên xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại dịch vụ.
Hội gợi ý cung có thể được sử dụng làm Nhà văn hóa thiếu nhi quận Hoàn Kiếm để phục vụ các em nhỏ quận này và các quận xung quanh.
Nhắc lại việc Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch 6 đồ án phân khu nội đô lịch sử của 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, hội cho rằng thành phố cần kiên quyết không xây dựng các chung cư cao tầng tại khu nội đô lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản kiến trúc - văn hóa lịch sử…, tăng cường không gian công cộng để cải thiện và nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
TTO - Xây Cung thiếu nhi mới, hiện UBND TP Hà Nội chưa thông tin về việc cơ sở cũ hơn 8.000m2 với tòa nhà Pháp cổ và một công trình thuộc kiến trúc kiểu Xô viết trên đất vàng phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm sẽ được sử dụng ra sao.