Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau: Chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp cần thiết triển khai thí điểm, UBND TP nghiên cứu, tham khảo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá mà TP Hà Nội đang triển khai thí điểm đối với xe buýt điện (được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 1714 năm 2021) để tự quyết định hoạt động thí điểm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Việc thực hiện bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với điều kiện giao thông trên địa bàn.
Tuyến xe buýt điện đang thí điểm ở Phú Mỹ Hưng. Ảnh: X.T
UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện.
Từ đó, lấy cơ sở triển khai chính thức trên địa bàn TP theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Trước đó, Sở GTVT TP có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo quá trình triển khai đề án và đề xuất tiếp tục thực hiện thí điểm sử dụng xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện.
Cụ thể, TP đã triển khai thí điểm vận hành ba tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng xe 4 bánh (12 chỗ) gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện hoạt động trong phạm vi hạn chế trên địa bàn TP.
Sở GTVT cho rằng từ lúc triển khai thí điểm đến nay, với lộ trình cố định, đón trả khách tại các điểm dừng và thời gian hoạt động theo biểu đồ được công bố nên không xảy ra các trường hợp vi phạm các quy định.
Sở cũng không ghi nhận trường hợp va chạm, tai nạn giao thông do phương tiện này gây ra và cũng không có phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của phương tiện.