Không sờ vào được nhưng bán được
Tương tự, tờ TIME đã bán đấu giá 3 cái bìa báo của họ trên không gian kỹ thuật số và thu về gần nửa triệu USD. Báo New York Times cũng rao bán “bài báo đầu tiên trong gần 170 năm lịch sử” của họ, thu về 560 ngàn USD.
Thị trường này đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Một đoạn tweet của tỷ phú Mark Cuban được bán với giá một ngàn USD. Beeple, một họa sĩ chuyên về biếm họa đã bán được hàng triệu USD tác phẩm của mình, cho dù chưa ai được sờ vào tranh của anh cả! Các video clip ghi lại những cú ném đẹp trong làng bóng rổ được tập hợp lại trên một cái “chợ” tên NBA Top Shot và doanh thu một tuần của nó có thể lên đến hàng trăm triệu đô.
Số hóa có phải là công cụ toàn năng đến nỗi ta phải phủ nhận vẻ đẹp của thế giới thực? Nguồn ảnh: Getty |
Trong tất cả những thương vụ này, tài sản hoàn toàn chỉ hiện diện ở trạng thái ảo và việc người ta bán được nó chỉ nhờ vào một công nghệ có tên Non-fungible Token (NFT). Nôm na thì NFT chính là một mã số ghi nhận rằng một tài sản gốc nào đó (dòng tweet, đoạn clip, trang bìa...) thuộc về một người chủ bất kỳ là duy nhất và không có cái thứ hai. Người ta mua chứng nhận phiên bản số độc nhất này, chứ không phải là tài sản được cụ thể hóa dưới dạng vật chất.
Nhưng, những tài sản ảo này, bất chấp việc chúng không thể mang lại tính tương tác vật chất như những bức tranh hay trang báo thật, lại đang có giá gấp nhiều lần những thứ thật có thể chạm vào, cho dù có thể bạn đọc đang cảm thấy điều này thật điên rồ: đáng ra những thứ này còn không thể bán được, theo tư duy thông thường của đa số chúng ta.
Con người hiện đại đang ngày một dịch chuyển về thế giới số nhiều hơn: ngày nay, chỉ có khoảng 3% lượng tiền lưu thông là tồn tại dưới dạng thể lý, còn lại chỉ đơn thuần là các con số trong tài khoản ngân hàng. Các công ty công nghệ số hóa một lượng dữ liệu khổng lồ về một con người để phục vụ cho quảng cáo và kinh doanh. Chưa bao giờ trong lịch sử chúng ta vừa đóng vai trò là những người sản xuất lẫn tiêu thụ dữ liệu tích cực nhất, như lúc này.
Thật ra thì chúng ta đã bán những thứ “không sờ được” từ lâu: năm 2018, báo New York Times đăng một bài viết chấn động về thị trường chợ đen trên mạng xã hội. Một công ty Mỹ tên Devumi đã bán hàng trăm triệu lượt theo dõi cho 200 ngàn khách hàng nổi tiếng, là các ngôi sao truyền hình, vận động viên, thậm chí có cả mục sư và người mẫu. Trên Facebook, các tài khoản người dùng bị hack và các fanpage đều được mua đi bán lại cho nhiều mục đích.
Nhưng, việc bán NFT đẩy cách nhìn về số hóa thêm một mức cực đoan chưa từng có tiền lệ: các sản phẩm internet, dựa trên những bit thông tin, thực tế vốn là thứ ai cũng có thể truy cập và thưởng thức được. NFT loại bỏ hẳn chức năng thưởng thức này, chỉ giữ lại một sự thừa nhận duy nhất là quyền sở hữu.
Cách nhìn này định nghĩa lại thế giới quan của chúng ta: không cần chạm vào và thậm chí không cần phải thưởng thức nó, chúng ta vẫn có thể định giá và mua bán với giá ngất ngưởng. Chúng ta hay tự nhủ rằng, loài người đang ngày một “vật chất” hơn, trong khi sự thật là chúng ta đang phủ nhận dần tính vật chất theo nghĩa đen của thế giới này.
Tác phẩm “Một và ba chiếc ghế” của nghệ sĩ sắp đặt người Mỹ Joseph Kosuth vào năm 1965 có thể làm chúng ta ngẫm lại về sự xa rời thực tại của mình: nó bao gồm một chiếc ghế thật ở giữa, bên phải nó là bức ảnh của chiếc ghế và bên trái là định nghĩa của chiếc ghế trong từ điển.
Hãy thử số hóa 3 đối tượng này và tưởng tượng xem nó sẽ chiếm khoảng bao nhiêu bộ nhớ của ổ cứng máy tính. Dòng định nghĩa cái ghế chỉ cần khoảng một kilobyte dữ liệu. Bức ảnh kể cả có tăng độ phân giải lên cao nhất, có lẽ chỉ chiếm tối đa 10 megabyte.
Chiếc ghế thật, theo một cách nào đó, có thể xem như vô hạn. Bản quét kỹ thuật số chính xác nhất chỉ có thể lập ra được một “bản đồ” về các đặc điểm bề mặt của nó và ngay cả những đặc điểm này chỉ có thể được phản ánh ở một mức độ trung thực nhất định. Các điểm dữ liệu này dù chi tiết đến đâu cũng không thể truyền tải nổi những điều vi tế khác, như là cảm xúc lúc ngồi lên cái ghế, hay cá tính của người thợ mộc đã làm ra nó. Số hóa, trong trường hợp này, hoàn toàn bất lực trước một đồ vật phổ thông.
Kỳ thị thế giới thực
Nhưng những câu chuyện tô vẽ quá mức cho thế giới ảo vẫn tiếp tục được kể. Năm 2014, nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen đã hồ hởi viết một loạt tweet trên tài khoản Twitter của mình - chính ông tự gọi chúng là “bão tweet” (tweetstorm) - thông báo rằng máy tính và robot sắp giải phóng tất cả chúng ta khỏi “những ràng buộc về nhu cầu vật chất”. Ông tuyên bố rằng, “lần đầu tiên trong lịch sử loài người có thể thể hiện bản chất thực sự và toàn vẹn của mình: chúng ta sẽ là bất cứ ai chúng ta muốn trở thành”.
Những lời tiên tri kiểu vậy có thể bị bác bỏ dễ dàng nhưng thực tế thì chúng đã định hình được dư luận. Bằng cách truyền bá một quan điểm không tưởng về công nghệ, xác định rằng sự tiến bộ về cơ bản chỉ là công nghệ, những tài phiệt này đã khuyến khích số đông từ bỏ các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của mình và cho phép các doanh nhân lẫn chuyên gia tài chính từ Thung lũng Silicon tự do tái tạo văn hóa để phù hợp với lợi ích thương mại của họ.
Pablo Neruda và những gì còn sót lại trong bộ sưu tập “chổi cùn rế rách” đủ thể loại của ông. Nguồn ảnh: Alamy Stock |
Trong cuốn sách “Số hóa” (xuất bản năm 1995), sáng lập viên của Viện Công nghệ Massachusetts, ông Nicholas Negroponte khẳng định: “Máy tính không còn là máy tính nữa. Đấy là về cuộc sống”. Thung lũng Silicon là nơi đã bán ra nhiều thiết bị và phần mềm hơn bất cứ đâu trên thế giới này và quan trọng hơn, nó đã bán thành công một hệ tư tưởng.
“Tín điều” này chính là chủ nghĩa công nghệ không tưởng, với công cụ là coi số hóa như một công cụ toàn năng và có giá trị vô tận. Những người đến từ Thung lũng Silicon vốn theo chủ nghĩa duy vật rất quyết liệt: những gì không thể đo lường được thì chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng, họ lại ghét vật chất. Từ quan điểm của họ, các vấn đề của thế giới, từ sự kém hiệu quả và bất bình đẳng đến bệnh tật và tử vong đều xuất phát từ các đặc điểm thể lý của nó, tự sự hiện thân trong những thứ hỗn độn và thiếu linh hoạt.
Thuốc chữa bách bệnh là thế giới ảo và câu chuyện thường được kể phổ biến là xã hội này sẽ được tái tạo và cứu chuộc bằng mã máy tính, với một vườn địa đàng mới được xây dựng từ các bit, hòa tan thế giới vật chất vào mạng lưới ảo này.
Nó dẫn đến sự tăng giá khủng khiếp của những thứ ảo, dưới biểu hiện của một làn sóng mới vẫn đang được khoác lên chiếc áo của sự tiến bộ: một bức tranh, không, thậm chí chỉ là một giấy chứng nhận sở hữu bức tranh số trên internet, giờ đây còn đắt gấp ngàn lần một bức tranh thật, thứ chúng ta có thể treo lên, chạm vào, ngắm nó mỗi ngày và nhìn ra cái đẹp trong đó. Cái đẹp thật sự. Không phải những câu chuyện tô vẽ.
Trong quá trình đi tìm thông tin cho bài viết này, tôi đã đọc được một câu chuyện của nhà thơ kiêm chính trị gia người Chile, Pablo Neruda: ông là một nhà sưu tập đủ các đồ vật gây tò mò, như những chiếc ống chạm khắc kỳ dị, mặt nạ châu Phi trông khá kỳ cục, những con tàu trong chai và răng của cá voi nữa. Ông viết trong cuốn “Hồi ký” (1974) rằng “trong nhà tôi, tôi đã tập hợp được một bộ sưu tập đồ chơi lớn nhỏ mà tôi không thể sống thiếu”.
Những bài thơ mà Neruda viết thường ca ngợi những đồ vật vừa có vẻ tầm thường, vừa độc đáo này. “Trong những bài thơ của tôi”, ông viết: “Tôi không thể đóng cửa trổ ra phố, cũng như tôi không thể đóng cửa tình yêu, cuộc sống, niềm vui hay nỗi buồn”.
Ngày nay, có lẽ chúng ta không thường tìm thấy những người yêu đồ vật đến thế, không phải bằng sự ưa thích nông cạn của những người theo chủ nghĩa tiêu dùng, mà là của một người đã hiểu rõ rằng việc có thể chạm vào một thứ gì đó và cảm nhận nó có thể là thứ giá trị nhất trên đời: “Người nào không chơi đùa đã vĩnh viễn mất đi đứa trẻ sống trong anh ta và anh ta hẳn sẽ rất nhớ nó” - Neruda viết.
Đối với Neruda, trẻ em được coi là thiên về vật chất theo nghĩa thuần túy và trong sáng nhất, thích thú với kết cấu, tiếng động, màu sắc, mùi vị của các đồ vật và có thể sống trọn trong từng khoảnh khắc ấy.
Tháng 9-1973, trong tang lễ của Neruda, những người lính theo chân tướng độc tài Pinochet đã giẫm đạp lên bộ sưu tập ấy và làm vỡ hầu hết chúng. Những cử chỉ thô bạo này, nhìn theo một nghĩa nào đó, cũng thật đáng tiếc: họ mất đi một cơ hội để nhìn ra cái đẹp, như Neruda đã từng.
Ngày nay, không có ai tước đi quyền chạm vào những đồ vật thật sự của chúng ta bằng sự thô bạo ấy nữa. Nhưng, có vẻ là nhiều người trong chúng ta sẵn sàng từ bỏ đi điều này, vì câu chuyện của người khác. Về những thứ có thể chẳng có giá trị gì (so với một thứ bằng xương bằng thịt) nhưng đang được định giá hàng triệu USD.
Ban CầmXem thêm: /764736-noh-hnil-coud-auM/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna