vĐồng tin tức tài chính 365

Tăng trưởng tín dụng bật tăng ngày cuối năm nhưng rất khó để cán đích 14%

2023-12-28 06:21

“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là không khả thi trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn”

Ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15% và được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đến tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng với tổng mức tăng trưởng 14%. Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2023 nhưng bức tranh tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vẫn chậm và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng thấp không những so với cùng kỳ năm trước, mà còn cách khá xa so với định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2023 (14%). 

Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra khiến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm cuối năm vẫn còn thấp, cụ thể như: Đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển... chưa phát huy hiệu quả.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2023 nhưng bức tranh tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vẫn chậm và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ) 

Cùng với đó, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay…

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác xuất phát từ khó khăn của thị trường bất động sản đã tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng nhóm khách hàng này chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Ngoài ra, kết quả tăng trưởng tín dụng chưa được kỳ vọng do bối cảnh chung, nhất là vấn đề liên quan đến pháp lý chưa tháo gỡ kịp thời, tồn tại nhiều năm nay khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, có lẽ mức tăng trưởng tín dụng 11% sẽ là mức hợp lý để có thể đạt được và mục tiêu 14% là không khả thi. 

Thực tế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% được đặt ra song song với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Còn hiện nay phần lớn chuyên gia cho rằng, tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 5% nên tăng trưởng tín dụng từ 11 - 12% là có cơ sở.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, có hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng là lãi suất và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Trong đó, lãi suất vẫn còn cao nên nhiều doanh nghiệp không muốn vay vốn vì đơn đặt hàng giảm và không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn. Nếu doanh nghiệp vay nhiều thì càng trả lãi cho ngân hàng nhiều, do vậy, tại thời điểm này, họ không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp không có khả năng vay do họ không còn tài sản bảo đảm. 

“Có thể nói, khả năng vay vốn của doanh nghiệp trong năm 2023 xuống rất thấp. Hiện nay, việc giảm lãi suất có tác động tới thị trường, doanh nghiệp nhưng không giải quyết được vấn đề lớn là các ngân hàng ế vốn trong khi doanh nghiệp lại đang rất cần”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. 

Báo cáo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng cho thấy, khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp đã có gần 60% số doanh nghiệp cho biết khó khăn nhất hiện nay là đơn hàng. Khi không có đơn hàng hoặc đơn hàng ít, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, có tiếp cận tín dụng cũng không có đầu ra của sản phẩm.

Như vậy, bên cạnh vấn đề lãi suất cao và điều kiện tiếp cận tín dụng còn khó khăn thì nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt của tín dụng tăng trưởng thấp là do cầu của nền kinh tế đang yếu. Để “cung” và “cầu” tín dụng có thể gặp nhau, cần một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ, trong đó cần có sự góp sức của cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng cũng như sự tham gia quản lý của cả Ngân hàng Nhà nước và sự định hướng vĩ mô của Chính phủ. 

Chia sẻ với báo chí, TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện có một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, rà soát liên quan đến tăng trưởng tín dụng, bao gồm: Thứ nhất, các cơ chế xử lý nợ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho một số khách vay với thời gian tối đa lên đến 12 tháng.

“Nếu vẫn tiếp tục việc xử lý nợ theo cách kéo giãn thời gian, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay tiếp, thì chỉ là chuyển rủi ro cho tương lai và đến một lúc nào đó không chống đỡ được thì hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ rất lớn. Do đó cần có một lộ trình dứt khoát về tư duy này theo các chuẩn mực quốc tế”, ông Phạm Xuân Hoè cho hay. 

Thứ hai  mặt bằng lãi suất. Theo chuyên gia, mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống rất thấp, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn (hơn 2%/năm với kỳ hạn 3 tháng), nhưng lãi suất cho vay ra vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng họ đang phải vay với mức lãi suất 9 - 10%/năm.

TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước). (Ảnh: Báo Chính phủ)

“Chúng ta không thể lập luận rằng lãi suất đầu vào cũ cao, nên cho vay ra vẫn cao, bởi vì nguyên lý của hoạt động ngân hàng khi đã sang kỳ hạn mới thì phải thiết lập mặt bằng lãi suất mới. Tại Việt Nam, lãi suất cho vay còn cao là do môi trường rủi ro cao, nhưng không có nghĩa là quá cao, vì lãi suất huy động bình quân đã giảm xuống còn 5 - 6%/năm.

Vấn đề này đã được Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất nhiều, nhưng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp ngay trong khu vực ASEAN, do đó cần phải tiếp tục kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa”, ông Phạm Xuân Hoè đề xuất.   

Tín dụng tăng mạnh những ngày cuối năm

Mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đến gần cuối tháng 12 vẫn thấp so với mục tiêu 14% đặt ra đã khiến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục có các động thái hỗ trợ nhằm đẩy nhanh việc bơm vốn vào thị trường.

Mới đây nhất vào ngày 22/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1403/CĐ-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023 của Văn phòng Chính phủ, tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khả thi, khoa học, đúng quy định, sát tình hình, tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng… trong việc tăng trưởng tín dụng, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm hoặc tăng trưởng tín dụng không lành mạnh, phục vụ lợi ích nhóm, sân sau…

Ngày 22/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1403/CĐ-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, chỉ đạo sử dụng các công cụ theo quy định đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn. 

Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài ra, thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và có nguy cơ nợ xấu tăng.

Có thể thấy, sau sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, tính đến 20/12, tín dụng toàn hệ thống đã đạt mức 10,85%. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cũng đã có sự gia tăng đáng kể so với tháng trước. Chỉ trong 20 ngày của tháng 12, tăng trưởng tín dụng tiến thêm 1,7 điểm %, tương đương với khoảng 202.700 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Nếu lấy mốc là ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng đã nhích lên 0,98 điểm %, tương đương 116.900 tỷ đồng vốn được bơm ra. Như vậy, càng về cuối năm, tốc độ giải ngân tín dụng càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sức tiêu thụ của nền kinh tế những tháng cuối năm, đặc biệt là trước dịp lễ, tết sẽ tăng mạnh cũng là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng tín dụng có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Một khi sức tiêu thụ tăng nhanh thì doanh nghiệp và người dân cũng sẽ có nhu cầu vay tiền nhiều hơn, chính vì thế sẽ đẩy mức tăng trưởng tín dụng cao trong tháng cuối năm 2023. 

Kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực trong năm 2024

Tại Báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research), các chuyên gia nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc, bao gồm GDP đang thể hiện xu hướng tích cực, đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ đã khiến lãi suất cho vay giảm mạnh. Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 13 - 14% trong 2024 và GDP cả năm đạt 5,9%.

Ngoài ra, MBS Research nhận định rằng, các hoạt động cho vay bán lẻ như cho vay tiêu dùng, mua nhà và mua xe sẽ được kích cầu mạnh mẽ trong môi trường lãi suất thấp. Cùng với đó, doanh nghiệp bất động sản có thể tiến hành giảm giá các sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người mua thay vì ưu tiên lợi nhuận nhằm khơi thông dòng tiền khi mà các chính sách đang nới lỏng hơn trước, giúp kích thích dòng chảy tín dụng. Tương tự, hoạt động cho vay tiêu dùng và mua ô tô cũng sẽ có chính sách tương tự nhằm tận dụng quãng thời gian lãi suất thấp được duy trì và MBS kỳ vọng kịch bản này sẽ bắt đầu từ đầu quý II/2024.

Trong năm 2024, doanh nghiệp bất động sản có thể tiến hành giảm giá các sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người mua thay vì ưu tiên lợi nhuận nhằm khơi thông dòng tiền khi mà các chính sách đang nới lỏng hơn trước, giúp kích thích dòng chảy tín dụng. (Ảnh minh họa: Reatimes)

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, hiện tại một số chỉ số kinh tế  tại lĩnh vực chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu hồi phục và tốt dần lên. Từ đó, cùng với tốc độ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế thì đà tăng tín dụng có thể duy trì trong năm 2024. 

“Về mặt triển vọng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ tích cực hơn so với năm 2023. Cộng với các biện pháp như hiện nay mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện cũng sẽ kỳ vọng tín dụng có mức độ tăng khá trong năm tới”, TS. Bình bày tỏ quan điểm.

Về phía cơ quan quản lý, khi đưa ra định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, bà Bùi Thuý Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành để đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. 

Ngoài ra, theo bà Bùi Thuý Hằng, mỗi doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính. Từ đó, các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (phát hành cổ phiếu, trái phiếu...), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

Xem thêm: lmth.09742000042210202-man-iouc-yagn-gnat-tab-gnud-nit-gnourt-gnat/nv.semitaer

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Tăng trưởng tín dụng bật tăng ngày cuối năm nhưng rất khó để cán đích 14%”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools