Gần 4 năm nay, ông Hồ Chí Cường (ngụ ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cùng người cháu trai liên tục ra rạch Ông Đồ để dọn rác, khơi thông dòng chảy.
Mới đây, ông Cường được UBND huyện Bình Chánh trao tặng giấy khen cho việc thực hiện tốt cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Rạch Ông Đồ thuộc ấp 1, xã Bình Chánh. Từ trước năm 2018, con rạch này chịu sự ảnh hưởng từ việc xả thải của ba ấp còn lại là ấp 2, ấp 3 và ấp 4, trong đó có cả chợ Bình Chánh. Rác thải nhiều lại không được lưu thông nên chúng phân hủy tạo ra dòng nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối.
Lúc bấy giờ, chính quyền địa phương vận động toàn xã cải tạo dòng kênh nên ông Cường đã xung phong đi vớt rác.
Rác ở đây chủ yếu là rác thải sinh hoạt: hộp nhựa, túi ni lông, thùng xốp, có cả rác hữu cơ...
Ông Cường cho biết, thời gian đầu, khi chưa có phương tiện, ông đã phải trầm mình xuống dòng nước đen vớt từng hộp nhựa, túi ni lông. “Sau mỗi lần như thế, tôi phải bỏ luôn bộ đồ vì không tài nào giặt sạch được, tay chân cũng thường xuyên bị lở loét, phồng rộp vì nước bẩn” – ông Cường chia sẻ.
Việc cải tạo dòng kênh của ông Cường ban đầu cũng được người dân chú ý, nhưng không bao lâu, nhiều người lại xả rác xuống rạch. Thấy vậy, ông Cường rủ thêm anh Nguyễn Hải Âu (cháu ông Cường) cùng đồng hành.
Mỗi ngày từ 9 giờ sáng, ông Cường và anh Âu lại ra con rạch này để “săn” rác. Thuyền bơi đến đâu, họ dùng kẹp và vợt vớt rác đến đó. "Buồn nhất là khi người dân thấy mình bỏ công làm, lại có ý chê bai, nói mình lo chuyện bao đồng, nhưng mình thấy con kênh như vậy cũng không đành lòng nên mới tiếp tục đi làm với chú Cường" - anh Âu chia sẻ.
Dù có thùng rác ngay trước nhà, nhưng người dân vẫn "vô tư" đổ rác ra con rạch. Ông Cường và anh Âu phải thường xuyên gom lại rồi đốt.
Nhiều lần, hai chú cháu vì dọn rác mà phải chui vào bụi rậm nên bị ong đốt, nhẹ thì bị vài chỗ chịu đau một chút rồi hết, nặng hơn thì đêm về ê ẩm cả mình.
Từ năm 2019, chính quyền địa phương cấp cho ông Cường chiếc thuyền và hỗ trợ 1 triệu đồng cho ông làm công việc này. "Mỗi tháng, ở địa phương sẽ ra quân dọn một lần, nhưng với lượng rác nhiều như thế này, nếu không khơi thông thường xuyên tình hình ô nhiễm sẽ còn nặng hơn nên tôi tranh thủ ngày nào cũng phải ra đây làm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu" - Ông Cường nói.
Rác thu được, ông Cường phân loại rồi cho vào bao để xe rác đến lấy. Cứ vậy, ngày nào, người ta cũng thấy hai người một già, một trẻ bỏ ra mấy tiếng đồng hồ đi vớt rác trên rạch Ông Đồ.
Công việc kết thúc cũng là lúc nắng đã lên đỉnh đầu, ông Cường núp vào chỗ mát, nghỉ ngơi rồi về nhà. Bên cạnh việc vớt rác ở rạch Ông Đồ, mỗi ngày, ông Cường thường xuyên đến các tuyến đường, tuyến rạch quanh xã để trồng hoa, nhổ cỏ, quét dọn và nhặt rác.
Trở về nhà, ông Cường tháo đôi giày ống, vệ sinh để chuẩn bị ăn cơm. Nhiều năm nay, không chỉ gia đình mà cả hàng xóm xung quanh đã không còn xa lạ gì về giờ giấc và công việc của ông.
Ông Cường quây quần bên gia đình, nơi có người thân thường xuyên động viên trong công việc mà ông đã và đang làm cho xã hội.
Bà Lý Thị Châu (68 tuổi, vợ ông Cường) cho biết, thấy chồng đi làm bà cũng rất xót, sợ ông Cường nhiễm mầm bệnh, nhưng vì ông Cường thích làm nên bà cũng đành ủng hộ. "Ước muốn của ổng là nhìn thấy con rạch được sạch rác, không còn cảnh hôi thối như hiện tại, người dân ý thức hơn, không xả rác nữa để ai cũng hưởng được bầu không khí trong lành" - bà Châu nói.