Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck đang sống lưu vong ở nước ngoài như anh trai Thaksin Shinawatra - Ảnh: AFP
Trong phán quyết ngày 2-4, Tòa hành chính trung ương Thái Lan cho rằng việc Bộ Tài chính Thái Lan yêu cầu bà Yingluck bồi thường 35,7 tỉ baht (tương đương 1,1 tỉ USD) là không hợp lý.
Bộ Tài chính Thái Lan lập luận đây là số tiền bồi thường cho những thiệt hại phát sinh từ chương trình trợ giá gạo mà chính phủ của bà Yingluck (giai đoạn 2011-2014) đưa ra. Tuy nhiên, theo tòa án, việc bắt bà Yingluck phải gánh số tiền phạt khổng lồ này là thiếu cơ sở pháp lý.
Phán quyết ngày 2-4 nêu rõ bà Yingluck không chịu trách nhiệm trực tiếp những vụ tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo. Bộ Tài chính Thái Lan cũng không chứng minh được những tổn thất đó là do bà Yingluck trực tiếp gây ra.
Mặc dù được bãi bỏ yêu cầu bồi thường, bà Yingluck vẫn bị kết án vắng mặt 5 năm tù vào năm 2017 vì sự tắc trách khi đưa ra chương trình trợ cấp. Cựu thủ tướng Thái Lan gọi đây là vụ việc có động cơ chính trị.
Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014, bị giám sát nghiêm ngặt nhưng không hiểu bằng cách nào đã trốn ra nước ngoài và sống lưu vong. Cuộc trốn chạy được thực hiện thành công ngay trước khi tòa kết án bà Yingluck.
Cam kết sẽ có chính sách trợ giá gạo đã giúp Đảng Pheu Thai của bà Yingluck giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011.
Theo chương trình này, chính phủ sẽ thu mua gạo của nông dân với giá cao hơn khoảng 50% so với giá thị trường toàn cầu. Số gạo này sau đó được đưa vào các kho của chính phủ nhưng không vội xuất khẩu như bình thường.
Theo Hãng tin AP, chính quyền của bà Yingluck khi đó đã áp dụng chiêu "găm hàng" và tin rằng Thái Lan sẽ khiến thị trường gạo thế giới bị thiếu hụt nguồn cung lớn, từ đó đẩy giá gạo lên. Một khi giá đã lên, Bangkok sẽ tung gạo ra bán.
Tuy nhiên kế hoạch này bị phá sản khi nguồn cung gạo thế giới không bị ảnh hưởng. Giá gạo sau đó thậm chí giảm khi một số nước tăng cường xuất khẩu với giá rẻ hơn gạo Thái Lan. Kết quả là Thái Lan mất vị trí nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và một lượng gạo lớn tồn đọng trong kho.
Những người chỉ trích bà Yingluck gọi động cơ lớn nhất của chương trình trợ giá gạo là chính trị, họ cho đó là nỗ lực mua sự trung thành của cử tri ở nông thôn bằng tiền nhà nước.
Bà Yingluck là em gái của ông Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan bị lật đổ năm 2006. Ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, tham nhũng và bất kính với hoàng gia. Cả hai anh em nhà Shinawatra chọn sống lưu vong ở nước ngoài sau đảo chính.
TTO - Cựu Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra đã được bổ nhiệm làm chủ tịch của một công ty vận hành cảng ở miền nam Trung Quốc.
Xem thêm: mth.55302608030401202-dsu-it-11-gnouht-iob-gnan-hnag-coud-turt-kculgniy-ab/nv.ertiout