Nga cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ động thái triển khai lực lượng nào của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ukraine đều sẽ là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đài RT đưa tin.
Ngày 2-4, chính quyền Kiev cho biết sau cuộc điện đàm ngày 1-4 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrii Taran đã nhận được lời đảm bảo rằng "trong trường hợp leo thang sự gây hấn từ Nga, Mỹ sẽ không bỏ Ukraine lại một mình".
Bình luận về thông tin từ Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng động thái này của Mỹ và Ukraine có thể gây ra một chuỗi sự kiện nguy hiểm tiềm tàng.
Ông Peskov nói rằng: "Không nghi ngờ gì nữa, một kịch bản đang phát triển như vậy sẽ dẫn tới sự gia tăng căng thẳng gần biên giới Nga. Tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi các biện pháp bổ sung từ phía Nga để đảm bảo an ninh đất nước".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
Đại diện của chính phủ Nga không nói rõ các biện pháp nào có thể được triển khai, song nhấn mạnh Moscow sẽ làm "mọi thứ cần thiết".
Cũng trong buổi họp báo ngày 2-4, ông Peskov mô tả tình hình chiến sự ở vùng Donbass (miền đông Ukraine) là "tương đối đáng sợ" và một lần nữa đổ lỗi các lực lượng của chính phủ Ukraine là bên khiêu khích.
Trước đó, trong ngày 1-4, người phát ngôn Điện Kremlin đã lên tiếng sau khi Kiev thể hiện sự lo ngại về việc Nga gia tăng năng lực quân sự gần biên giới với Ukraine.
Ông Peskov nhấn mạnh rằng quân đội Nga chỉ điều chuyển lực lượng trên lãnh thổ Nga và cho rằng động thái này "không nên khiến bất kỳ ai lo ngại" và "không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho bất kỳ ai".
Về phía Ukraine, trong ngày 2-4, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Tổng thống Mỹ đã bày tỏ "sự ủng hộ vững chắc" của Washington đối với Kiev trước "sự gây hấn liên tục của Nga ở Donbass và Crimea".
Cũng trong ngày 2-4, ông Roman Mashovets - Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine - có cuộc gặp Đại sứ Canada tại Kiev, bà Larisa Galadza. Ông Mashovets đã đề nghị NATO (mà Canada là một thành viên) cân nhắc "các hoạt động chung, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự của Ukraine và NATO", cũng như việc tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu tại các quốc gia thành viên NATO có chung biên giới với Ukraine.
Sau cuộc đảo chính năm 2014, một chính quyền mới thân phương Tây đã được lập nên tại Kiev dẫn tới phong trào ly khai ở miền đông Ukraine (khu vực có đa số người dân nói tiếng Nga) và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Chính quyền mới ở Ukraine công khai ý định gia nhập NATO, khiến Nga lo lắng và tức giận. Moscow gọi việc Ukraine trở thành thành viên NATO và việc khối quân sự phương Tây triển khai quân ở quốc gia Đông Âu này là "lằn ranh đỏ" đối với Nga.