Khoảng 12h trưa ngày 2/4, chị Nguyễn T. đã nhận được tin nhắn của đồng nghiệp là chị Trần H. vay tiền và nhờ chuyển cho đối tác, vì tài khoản ngân hàng đang lỗi. Do vẫn trao đổi công việc liên tục nên chị T đã tin tưởng và thực hiện thao tác chuyển tiền cho số tài khoản đã nhận được.
Ngay sau đó, chị T nhận được thông báo từ đồng nghiệp rằng tài khoản facebook của chị Trần H. đã bị xâm nhập (hack). Chị H cũng cho biết, cùng thời điểm đó có 2 người thân khác đã báo chuyển cho vay tiền theo tin nhắn facebook với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
Lúc 12h30, chị T đã thực hiện thao tác thông tin đến hai ngân hàng có tài khoản chuyển đi và ngân hàng có tài khoản hưởng thụ. Xác nhận được từ phía ngân hàng tiền đã được chuyển đi và vào tài khoản ngân hàng bên kia, chị T đã liên tục gọi vào số đường dây nóng của ngân hàng hưởng thụ trong khoảng 30 phút nhưng vẫn không có người nghe máy.
Nạn nhân sau hơn 1h đồng hồ tiếp theo cũng đã nhờ kết nối được với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng mà đối tượng lừa đảo đăng ký tài khoản hưởng thụ - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Bộ phận chăm sóc khách hàng cho biết đã xác nhận thông tin của khách hàng và cũng xác nhận được tài khoản có khoản tiền chuyển đến như thông tin nạn nhân cung cấp.
Tuy nhiên, phía ngân hàng không thể cung cấp thông tin khoản tiền này còn trong tài khoản hay không. “Ngân hàng sẽ chú ý hơn đến tài khoản này và chờ công văn hoặc thông báo từ phía công an”, cán bộ chăm sóc khách hàng ACB cho hay. Chị T cùng lúc đó cũng đã trình báo sự việc tới Công an Công nghệ cao và Công an quận Cầu Giấy.
Mặc dù vướng phải tội phạm công nghệ cao, bị lừa tiền trong tích tắc, nhưng 24 giờ sau đó, nạn nhân chưa nhận được bất cứ cuộc điện thoại hỗ trợ hoặc tư vấn phương án phối hợp từ phía ngân hàng ACB để đẩy nhanh tiến độ điều tra.
Luật sư Thành Đạt cho hay, theo nguyên tắc, ngân hàng sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân của chủ tài khoản và chỉ phong toả tài khoản khi có thông báo từ phía công an hoặc toà án. Tuy nhiên, trong mọi lĩnh vực vẫn có một số hình thức gọi là văn bản mềm, tuỳ thuộc vào quy định của ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng trong một phạm vi nhất định, và trường hợp đặc biệt, với nguyên tắc không ảnh hưởng đến quy định chung.
Với trường hợp lừa đảo công nghệ cao hoặc có dấu hiệu lừa đảo, ngân hàng có thể chủ động làm việc trước với phía công an để phối hợp ngăn chặn tội phạm, vì khả năng đây là dạng tội phạm đa quốc gia và không phải là tình trạng nhỏ lẻ. Tất nhiên, việc để tội phạm đa quốc gia có thể thực hiện hành vi lừa đảo, ắt vẫn có kẽ hở trong việc kiểm soát chuyển tiền và tài khoản.
Hoặc phía ngân hàng có thể linh hoạt tạm đóng băng số tiền được thông báo bị lừa đảo; khi đó, chủ tài khoản lừa đảo sẽ chủ động kết nối lại với ngân hàng, và như vậy việc điều tra có thể dễ dàng hơn. Một số ngân hàng có đội ngũ chuyên xử lý những trường hợp lừa đảo sẽ có kinh nghiệm phối hợp với nạn nhân sâu sát hơn trong việc điều tra, thể hiện sự chu đáo với khách hàng cũng như trách nhiệm với xã hội, đi đầu trong việc phòng chống tội phạm,…
Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng lại thể hiện thái độ “sống chết mặc bay”, và đương nhiên, thái độ phục vụ này ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng trên chặng đường phát triển sau này.
Khoản 12 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán...
12. Điểm b khoản 1... Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
b) Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;”
Xem thêm: lmth.89420000042210202-ort-oh-gnohk-hn-gnuhn-bcanaohk-iat-iohk-ioh-cob-neit/nv.semitaer