Mọi người đi ngang qua cửa hàng H&M tại một khu phức hợp mua sắm ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 25-3-2021 - Ảnh: REUTERS
Cục Quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên thành phố Thượng Hải ngày 2-4 cho biết giới chức Trung Quốc đã triệu tập Công ty H&M để thông báo hành vi vi phạm pháp luật và quy định của nhãn hiệu thời trang này.
Sự việc xảy ra sau khi người dùng Internet tại Trung Quốc thông báo với chính quyền về việc trang web của H&M có đăng một "bản đồ có vấn đề", theo báo Wall Street Journal.
Cục không nói chi tiết về hành vi vi phạm của H&M, nhưng cho biết Công ty Haines Morris - nhà điều hành trang web của H&M tại Thượng Hải - đã khắc phục vấn đề. H&M vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vụ vi phạm này.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu H&M gặp rắc rối liên quan đến bản đồ ở Trung Quốc. Vào năm 2018, H&M từng liệt kê Đài Loan như một quốc gia trên phiên bản web của nhãn hiệu này ở Đài Loan. Trung Quốc vốn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của nước này.
Taobao, một trong những trang thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc, ngừng rao bán sản phẩm của H&M - Ảnh: AP
Làn sóng tấn công nhắm vào H&M của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24-3, một ngày sau khi Liên minh châu Âu, Anh và Canada ban hành một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm hạn chế đi lại và đóng băng tài sản với nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương.
Lúc này, truyền thông Trung Quốc mới chú ý đến tuyên bố, vốn đã đăng hơn 1 tháng trên trang web của H&M, nói họ không dùng bông vải ở Tân Cương và bày tỏ lo ngại về các báo cáo lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực này, theo báo South China Morning Post.
"Phỉ báng và tẩy chay bông vải Tân Cương trong khi muốn kiếm tiền từ Trung Quốc? Đừng mơ", thông điệp gửi cho hơn 15 triệu người của Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc.
Tân Hoa xã cũng cảnh báo H&M sẽ gánh chịu hậu quả từ hành động của mình.
Gần như ngay lập tức, tất cả các trang thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như Taobao, JD, Pinduoduo... đều ngừng rao bán sản phẩm của H&M. Dư luận Trung Quốc dậy sóng. "Tẩy chay H&M" nhanh chóng lọt top 5 từ khóa nổi bật nhất trên mạng xã hội Weibo.
Những ngày sau đó, nhiều ngôi sao hạng A của Cbiz cũng tuyên bố cắt hợp đồng với H&M. Nam tài tử Hoàng Hiên chấm dứt hợp đồng làm đại sứ cho H&M, trong khi nữ ca sĩ và diễn viên Tống Thiến ngừng hợp tác quảng cáo thời trang cho H&M.
Hơn một tuần sau khi bị tẩy chay, H&M ngày 31-3 đăng thông báo nói họ hi vọng sẽ lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng Trung Quốc, khẳng định H&M muốn trở thành "một người mua hàng có trách nhiệm tại Trung Quốc và bất kỳ nơi nào khác", theo báo New York Times.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ tư của H&M khi có tới 520 cửa hàng của nhà bán lẻ thời trang này, đứng thứ 2 sau Mỹ với 593 cửa hàng. Đến ngày 31-3, H&M cho biết phải đóng cửa khoảng 20 cửa hàng sau khi bị tẩy chay ở Trung Quốc.
Trước đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm thiểu số khác theo Hồi giáo ở Tân Cương.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) cho biết người lao động Duy Ngô Nhĩ đã bị "giam giữ tùy tiện, buôn người, cưỡng bức lao động và nô dịch" trong các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, công nghệ, ôtô và dệt may.
Mỹ, Canada và các nước châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt với Bắc Kinh vì vấn đề Tân Cương.
Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói các nước phương Tây đã bịa đặt và bắt nạt nước này. Đồng thời, Trung Quốc đã áp các biện pháp trả đũa lại một số nước. Trung Quốc khẳng định giới chức Tân Cương chỉ đang điều hành các trung tâm đào tạo nghề nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.
TTO - Theo thông tin từ phía Trung Quốc, sau khi phát hiện 'bản đồ Trung Quốc có vấn đề' trên trang web của H&M, họ đã yêu cầu công ty Thụy Điển này chỉnh sửa ngay. Tuy nhiên, có liên quan tới 'đường lưỡi bò' hay không thì chưa rõ.
Xem thêm: mth.25644409130401202-m-h-gnart-ioht-oa-nauq-el-nab-ahn-pad-nod-gnoc-nat-couq-gnurt/nv.ertiout