vĐồng tin tức tài chính 365

Dự báo lợi nhuận khủng của các ngân hàng gốc quốc doanh

2021-04-04 11:32

Dự báo lợi nhuận khủng của các ngân hàng gốc quốc doanh

Tuệ Nhiên

(KTSG) - Quy mô lợi nhuận giữa nhóm ngân hàng gốc quốc doanh và tư nhân ngày càng thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên năm 2021 lợi nhuận của các ngân hàng gốc quốc doanh như Vietcombank, VietinBank hay BIDV có thể bứt phá mạnh mẽ hơn so với mặt bằng chung.

BIDV đã rơi khỏi tốp 5 ngân hàng có lợi nhuận cao trong năm 2020. Ảnh: HOÀNG TÂN

Thu hẹp khoảng cách

Năm 2018, VietinBank bất ngờ ghi nhận lỗ ròng gần 700 tỉ đồng trong quí 4, khiến lãi sau thuế cả năm chỉ còn 5.400 tỉ đồng, giảm 27% so với năm trước đó và là mức lãi thấp nhất kể từ năm 2010 của ngân hàng này. Việc mạnh tay chuyển nhóm nợ và thoái thu lãi trong quí cuối năm đã khiến lợi nhuận VietinBank tuột xuống phía sau những ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân như Techcombank, VPBank hay MBBank vào thời điểm đó.

Nhưng sự phục hồi cũng đã sớm diễn ra chỉ một năm sau đó, với mức lãi sau thuế của VietinBank năm 2019 tăng đến 75%, lên gần 9.500 tỉ đồng, xuất hiện trở lại trong tốp 3 ngân hàng lãi lớn nhất. Năm 2020, ngân hàng này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lãi ròng đến 45%, lên mức 13.740 tỉ đồng, vượt qua Techcombank và chỉ còn xếp sau ông vua lợi nhuận Vietcombank.

Năm 2020 đến lượt BIDV chứng kiến lợi nhuận của mình suy giảm, với mức lãi sau thuế chỉ đạt 7.200 tỉ đồng, giảm 16% so với năm 2019 và cũng giảm 4% so với năm 2018, trong đó tính riêng quí 4-2020 lãi ròng giảm đến 44% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ năm 2016, đây mới là lần đầu tiên BIDV chứng kiến lợi nhuận đi xuống như vậy.

Lãnh đạo VietinBank mới đây chia sẻ lợi nhuận trước thuế quí 1 năm nay có thể sẽ đạt từ 7.000-8.000 tỉ đồng, tức có thể tăng gấp 2,3-2,6 lần so cùng kỳ năm 2020.

Đáng lưu ý là con số này chưa tính đến phí từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife. Nếu ba quí còn lại trong năm VietinBank vẫn duy trì được mức lãi này, rõ ràng dự báo lãi cả năm 24.000 tỉ đồng dường như vẫn còn khá khiêm tốn.

Sự chững lại của BIDV đã có dấu hiệu xuất hiện trong những năm gần đây, khi các ngân hàng khác chứng kiến lợi nhuận bứt phá mạnh mẽ nhưng kết quả tăng trưởng của BIDV khá khiêm tốn, dù quy mô kinh doanh của ngân hàng này là lớn nhất trong hệ thống.

Vì lẽ đó mà hệ số sinh lời trên tài sản (ROA) của BIDV cũng thuộc nhóm thấp nhất trong số các ngân hàng đang niêm yết. Từ vị trí ngân hàng có lợi nhuận tuyệt đối cao thứ 3 trong năm 2018, đến năm 2019 BIDV rớt xuống thứ 4 và năm 2020 vừa qua đã ra khỏi tốp 5 khi rơi về tận thứ 7.

Ngân hàng TMCP gốc quốc doanh còn lại đã niêm yết là Vietcombank, dù vẫn là quán quân lợi nhuận trong nhiều năm liên tiếp, nhưng năm 2020 vừa qua cũng chứng kiến lãi sau thuế suy giảm, xuống còn 18.467 tỉ đồng từ mức 18.526 tỉ đồng trong năm 2019, dù 2020 là năm ngân hàng này bắt đầu hạch toán một phần khoản thu nhập trả trước từ hoạt động ký kết hợp đồng bán bảo hiểm (bancassurance) với FWD.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân tiếp tục duy trì những bước tiến vượt bậc. Với lãi sau thuế gần 12.600 tỉ đồng trong năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép hàng năm của Techcombank giai đoạn 2016-2020 lên đến 41%; VPBank tương ứng là hơn 10.400 tỉ đồng và 28%; MBBank là 8.600 tỉ đồng và 31%; ACB gần 7.700 tỉ đồng và 55%; HDBank gần 4.650 tỉ đồng và 50%; VIB 4.640 tỉ đồng và 70%; OCB 3.535 tỉ đồng và 74%; TPBank 3.500 tỉ đồng và 58%,...

Xu hướng ngược chiều trên đã khiến quy mô lợi nhuận giữa nhóm ngân hàng gốc quốc doanh và tư nhân ngày càng thu hẹp đáng kể, giúp các hệ số đánh giá hiệu quả sinh lời như lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) hay lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của nhóm ngân hàng tư nhân thậm chí cao hơn nhiều.

Sự trở lại tất yếu

Cổ phiếu CTG của VietinBank từ cuối tháng 1 đến nay đã tăng gần 44%, khi giới đầu tư đang tin rằng lợi nhuận của ngân hàng này sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm nay. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này có thể đạt hơn 24.000 tỉ đồng trong năm nay, trở thành ngân hàng thứ 2 tiếp bước Vietcombank đạt lãi trước thuế ở mốc 1 tỉ đô la Mỹ. Cần lưu ý con số này cũng cao hơn mức lãi trước thuế 23.000 tỉ đồng mà Vietcombank đã đạt được trong năm 2020.

Mục tiêu trên không phải thiếu cơ sở. Lãnh đạo VietinBank mới đây chia sẻ lợi nhuận trước thuế quí 1 năm nay có thể sẽ đạt từ 7.000-8.000 tỉ đồng, tức có thể tăng gấp 2,3-2,6 lần so cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý là con số này chưa tính đến phí từ hợp đồng bancassurance với Manulife.

Nếu ba quí còn lại trong năm VietinBank vẫn duy trì được mức lãi này, rõ ràng dự báo lãi cả năm 24.000 tỉ đồng dường như vẫn còn khá khiêm tốn. Cần biết rằng kết quả kinh doanh trong quí 1 thường ở mức thấp nhất, càng về cuối năm ngân hàng thường tăng tốc kinh doanh và lợi nhuận theo đó cũng mang lại lớn hơn.

BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 là 13.000 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2020, trong kịch bản tăng trưởng tín dụng có thể đạt 10-12% còn huy động vốn tăng 12-15%. Đáng lưu ý là BIDV hiện nay vẫn chưa ký kết bất kỳ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với đối tác nào, do đó lợi nhuận tiềm năng từ mảng này trong tương lai vẫn đang là một ẩn số hấp dẫn.

Vietcombank năm 2021 đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn ở mức 25.200 tỉ đồng, tăng 12%, nhưng Công ty Chứng khoán SSI dự báo có thể đạt 29.300 tỉ đồng, tăng 27,3% so với năm 2020, với giả định tăng trưởng tín dụng, tiền gửi và tài sản lần lượt là 12,8%; 10,9% và 14%. Năm 2021 sẽ chứng kiến ngân hàng này tiếp tục hạch toán phí trả trước của hợp đồng bancassuarance, cũng như những khoản hoa hồng từ hiệu quả bán bảo hiểm cho tập đoàn FWD.

Có nhiều lý do để tin rằng lợi nhuận của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với nhóm tư nhân trong năm 2021 này. Thứ nhất là nhóm ngân hàng gốc quốc doanh trong năm 2020 đã phải hy sinh một nguồn lực đáng kể để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, mà theo chia sẻ từ ban lãnh đạo của các ngân hàng này thì Vietcombank là 4.000 tỉ đồng, VietinBank là 5.000 tỉ đồng và BIDV hơn 6.400 tỉ đồng.

Trong năm nay, khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, các khoản nợ tái cơ cấu bình thường trở lại, các ngân hàng này có lẽ sẽ không phải hy sinh thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ, miễn giảm lãi, phí hay giảm lãi suất cho khách hàng nữa. Theo đó mà phần thu nhập bị mất đi trong năm 2020 sẽ quay trở lại.

Thứ hai là nhóm ngân hàng gốc quốc doanh đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý các tài sản có vấn đề trong giai đoạn trước đây, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu của nhóm này ở mức hàng đầu, do đó giai đoạn sau này được kỳ vọng sẽ “dễ thở” hơn và có thể giảm áp lực trích lập dự phòng. Trong khi đó, những khoản nợ xấu đã xử lý trước đây bằng cách trích lập dự phòng luôn là những khoản thu nhập bất thường tiềm năng sau này, đóng góp đáng kể vào con số lợi nhuận của các ngân hàng.

Thứ ba là Nghị định 121 đã giúp tạo ra hành lang pháp lý cho việc tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng này trong thời gian tới, tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh nhanh hơn. VietinBank trong năm năm qua đã bị níu chân phát triển tín dụng bởi hệ số an toàn vốn (CAR) do không tăng được vốn điều lệ, nhưng trong năm nay ngân hàng này sẽ chia cổ tức cho giai đoạn 2017-2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ là 28,79%, đưa vốn điều lệ tăng lên 47.935 tỉ đồng, giúp CAR cải thiện đáng kể và qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại.

BIDV cũng đã trình cổ đông xem xét phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2021 thêm 8.304 tỉ đồng, lên 48.524 tỉ đồng, thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. Còn Vietcombank cũng dự kiến nâng vốn điều lệ lên 46.176 tỉ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán.

Xem thêm: lmth.hnaod-couq-cog-gnah-nagn-cac-auc-gnuhk-nauhn-iol-oab-ud/700513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dự báo lợi nhuận khủng của các ngân hàng gốc quốc doanh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools