Hạt gạo lúa mùa chứa đựng chất lẫn hồn dân tộc Việt
TS. Nguyễn Văn Kiền (*)
Lúa mùa nổi chuẩn bị thu hoạch tại làng Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang. Ảnh: HUỲNH NGỌC ĐỨC |
(KTSG) - Cách đây vài hôm, có một bạn trẻ đang công tác tại văn phòng lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông gọi điện hỏi thầy Kiền ơi, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những sản phẩm nông nghiệp nào có thể xây dựng thương hiệu chứa đựng giá trị văn hóa được không thầy? Tôi rất ngạc nhiên và chính nhờ câu hỏi đó, tôi đã có dịp bắt chuyện với bạn ấy.
Tôi hỏi thêm, theo tôi biết hiện tại người ta chỉ bán gạo, cà phê, hay hồ tiêu, chè,... người ta chỉ quan tâm chất lượng (chất của sản phẩm) và chính vì vậy nên các tiêu chuẩn chất lượng được đặt trọng tâm trong giao thương. Nhưng tôi rất ít thấy đơn vị nào ở Việt Nam chú ý đến khía cạnh văn hóa của sản phẩm nông nghiệp. Rồi tôi được bạn trẻ (xin không nêu tên) trình bày và phân tích chiến lược tiếp thị nông sản của một số quốc gia hiện tại đã đi xa hơn chất rồi, thị trường đang quan tâm đến việc ăn sản phẩm không chỉ ngon về chất mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa của sản phẩm.
Vậy là câu chuyện cuốn hút tôi và bạn ấy nói hết một tiếng đồng hồ. Tôi có dịp được kể một số câu chuyện về những sản phẩm nông nghiệp có chứa đựng giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Việt, cụ thể từ ĐBSCL.
Lúa mùa nổi được biết có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 8, được người dân trồng ở vùng Biển Hồ bên Campuchia, rồi dần dà được cha ông ta đem về trồng ở châu thổ ĐBSCL. Hạt lúa được trồng sáu tháng ngâm mình trong mùa nước lũ và phù sa từ dòng Mêkông, được biết tại ĐBSCL trên 300 năm và được người dân làng Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang gìn giữ và lưu truyền đến tận hôm nay. Trong khi đó, tại nhiều nơi ở ĐBSCL hạt lúa thần nông cao sản mà chúng ta đang ăn chỉ đầu tiên xuất hiện tại Cái Sắn, tỉnh Kiên Giang vào năm 1964.
Tôi nhớ có một lần đi công tác bên huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, một anh cán bộ nông nghiệp huyện kể tôi nghe như thế này: “Tôi mua gạo lúa mùa nổi về chờ ngày mùng 1 Tết mới nấu nồi cơm để đãi các thành viên của gia đình hội tựu về dịp Tết”. Anh giải thích rằng hạt gạo được trồng lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa của người dân Nam bộ, chỉ dùng vào những ngày lễ Tết quan trọng, nhớ lại cha ông khẩn hoang khai mở đất.
Còn một chị ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì cho rằng gạo lúa mùa nổi là gạo “hiền”, bởi vì ăn hạt gạo này chứa đựng dinh dưỡng từ phù sa và không bị nhiễm phân thuốc hóa học, được hiểu là gạo hiền. Người dân không biết dùng từ gạo hữu cơ hay VietGAP, hay GlobalGAP, mà người dân có cách gọi riêng của họ là gạo “hiền”.
Tôi cũng kể câu chuyện một anh nông dân thứ thiệt đã bỏ hơn 2 tỉ đồng để phục hồi văn hóa lúa mùa tại làng Cù Là, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, đó là anh Tư Việt Lúa Mùa. Anh ấy đã thu thập toàn bộ các loại nông cụ, những câu truyện về lúa mùa để hình thành một bảo tàng sống nhằm giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL.
Anh lưu giữ giống lúa mùa bản địa, phục hồi, và gắn câu chuyện văn hóa dân tộc vào hồn sản phẩm. Anh chỉ bán gạo cho những đối tác mà anh thấy họ có thể chuyển tải di sản lúa mùa vào sản phẩm, vào bữa cơm. Đối với anh, giữ gìn giá trị văn hóa của sản phẩm nông nghiệp là chìa khóa cho sự phát triển bền vững.
Rất hy vọng sản phẩm lúa mùa ĐBSCL được tôn vinh không chỉ về chất mà còn là hồn dân tộc được lưu truyền!
(*) CEO Mekong Organics (Úc)
Xem thêm: lmth.teiv-cot-nad-noh-nal-tahc-gnud-auhc-aum-aul-oag-tah/010513/nv.semitnogiaseht.www