"Cờ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Chúng tôi sống, chết và chiến thắng cùng với lá cờ này. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương bất kỳ lá cờ nào khác" - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên mạng xã hội X (Twitter) vào hôm 10-3, khi ông đáp trả lời kêu gọi "giương cờ trắng" của Giáo hoàng Francis.
Bế tắc
Theo tường thuật của Reuters, Giáo hoàng đã nhận câu hỏi về lập trường của ông đối với một cuộc tranh luận xung quanh giải pháp cho Ukraine.
Người phỏng vấn đã dùng cụm từ "giương cờ trắng" trong câu hỏi của mình. Đáp lại, Giáo hoàng nói: "Đây là một cách diễn giải.
Đúng vậy. Nhưng tôi cho rằng người mạnh nhất là người nhìn vào tình huống, nghĩ về nhân dân, có đủ dũng cảm để giương cờ trắng và đàm phán".
Lời kêu gọi của Giáo hoàng có lẽ chẳng có tác dụng, bởi lẽ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước vào năm thứ ba và không có dấu hiệu nào cho thấy Nga hay Ukraine chiếm ưu thế đáng kể hoặc có ý định đầu hàng.
Hôm 10-3, khi bình luận về phát biểu của Giáo hoàng Francis, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Matxcơva "chưa bao giờ cản trở các cuộc đàm phán".
Tuy nhiên, đáng nói Điện Kremlin thời gian qua tuyên bố kết quả đàm phán duy nhất mà Nga sẽ chấp nhận là Ukraine đầu hàng.
Phía Ukraine cũng chẳng hề nhượng bộ và tuyên bố sẽ tiếp tục kháng cự. Tổng thống Ukraine Zelensky đã nói rõ: "Ukraine sẽ không bao giờ đầu hàng Nga".
Đến nay Ukraine vẫn kiên quyết không tham gia trực tiếp các cuộc đàm phán hòa bình với Nga và nói rằng sáng kiến đàm phán hòa bình phải đến từ quốc gia bị tấn công.
Chính vì thế, trong cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ) hồi tháng 2, bà Angela Stent - chuyên gia chính sách đối ngoại người Mỹ gốc Anh và là tác giả cuốn sách Thế giới của Putin: Nga chống lại phương Tây và đồng hành cùng phần còn lại của thế giới - nhận định:
"Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine bước vào năm thứ ba, tình trạng bế tắc hiện tại có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra. Không bên nào thắng hay thua".
Trên chiến trường, trong khi Nga đang kiểm soát được nhiều phần lãnh thổ với cái giá đắt là thương vong lớn và mất mát trang thiết bị, thì Ukraine - sau khi không đạt được các mục tiêu trong cuộc phản công năm 2023 - đang ở thế phòng thủ và cũng chịu thương vong đáng kể.
Bà Angela Stent cho rằng rất ít triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024 và cũng không bên nào có thể đạt được chiến thắng mang tính quyết định.
Chiến sự căng thẳng
Về tình hình chiến sự, theo báo Ukrainska Pravda, các lực lượng Nga đã hoạt động tích cực hơn ở vùng lân cận Novomykhailivka và gần Vremivka, khu vực Donetsk, đông Ukraine, vào ngày 11-3.
Nga dường như đang triển khai lực lượng dự bị ở khu vực này. Được biết các phần lãnh thổ dọc theo Vremivka đã được giải phóng trong cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái.
Người phát ngôn Nhóm tác chiến Tavria thuộc quân đội Ukraine, ông Dmytro Lykhovii, cho biết hiện nay 60% các cuộc đụng độ giữa lực lượng Nga và Ukraine đều xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm của Nhóm các lực lượng chiến lược tác chiến Tavria (OSG).
Hôm 10-3, các lực lượng Nga và Ukraine đã đụng độ 45 lần trong khu vực thuộc trách nhiệm của OSG, trong đó lực lượng Nga đã thực hiện 25 cuộc không kích, 3 cuộc tấn công bằng tên lửa và 90 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, đồng thời pháo kích vào lực lượng Ukraine 1.053 lần.
Lực lượng Nga cũng đã thực hiện nỗ lực tấn công ở mặt trận Novopavlivka 25 lần, ở mặt trận Avdiivka 17 lần và ở mặt trận Orikhiv 3 lần.
Phía Ukraine nói rằng trong ngày 10-3 lực lượng Nga đã mất 392 quân nhân và 47 đơn vị vũ khí, thiết bị trong khu vực chịu trách nhiệm của OSG.
Theo Hãng tin RBC Ukraine ngày 11-3, giám đốc Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine (MDI) Kyrylo Budanov thông báo nước này đang chuẩn bị cho một chiến dịch quan trọng ở bán đảo Crimea (Nga sáp nhập năm 2014), trong bối cảnh các đơn vị Ukraine có nhiều hoạt động trong khu vực.
"Hòa giải ảo"
Trong bài phát biểu qua video hằng đêm vào hôm 10-3, Tổng thống Zelensky không đề cập trực tiếp Giáo hoàng Francis hay lời kêu gọi của ngài, nhưng cho rằng những ý tưởng của Giáo hoàng không liên quan nỗ lực của các nhân vật tôn giáo khác đang giúp đỡ ngay bên trong lãnh thổ Ukraine.
"Họ ủng hộ chúng tôi bằng những lời cầu nguyện, các cuộc thảo luận và hành động. Đây mới thực sự là những gì giáo hội làm với người dân.
Chứ không phải cách đây 2.500km, ở đâu đó, có sự hòa giải ảo giữa người muốn sống và người muốn tiêu diệt bạn" - ông Zelensky nói.
Mặc dù Giáo hoàng Francis thường lên án xung đột ở Ukraine, nhưng ngài đã làm dấy lên cuộc tranh luận trong giáo hội về việc liệu thông điệp của ngài về cuộc xung đột này có quá thận trọng và quá tập trung vào việc duy trì mối quan hệ với Giáo hội chính thống Nga hay không.
Những người ủng hộ Giáo hoàng lập luận việc duy trì tính trung lập từ lâu đã là trọng tâm trong chính sách của Tòa thánh Vatican.
Tháng 5-2023, sau cuộc gặp riêng đầu tiên với Giáo hoàng Francis kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Zelensky khẳng định bất kỳ công thức hòa bình nào nhằm chấm dứt xung đột "phải là của Ukraine", và bất kỳ vai trò nào của Tòa thánh Vatican đều phải phục vụ cho công thức hòa bình của Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không đồng tình với tuyên bố của Giáo hoàng Francis, nói Ukraine cần hỗ trợ quân sự, không cần 'cờ trắng'.