Với bà Teiko Nemoto, 82 tuổi, lần rước đuốc này là sự kiện buồn vui lẫn lộn ở cuối cuộc đời.
Trụ sở thống đốc tỉnh Fukushima được chọn là điểm bắt đầu lễ rước đuốc, nhằm nhấn mạnh sự phục hồi của địa phương sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân xảy ra 10 năm trước. Cụ Nemoto, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Futaba, trong bán kính 10 km tính từ lò phản ứng hạt nhân Fukushima Daiichi, lần đầu tiên quay trở lại nơi đây cùng với con trai, kể từ lúc thảm họa xảy ra, với vai trò người phụ trợ chạy sau người cầm đuốc chính.
Phần lớn Futaba vẫn đang bị phong tỏa. Cụ Nemoto và gia đình chuyển tới định cư tại thành phố Tokyo.
"Olympic trên danh nghĩa là một công cuộc tái xây dựng, vì thế, tôi hy vọng thị trấn của mình sẽ hồi sinh trở lại", cụ chia sẻ. "Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, hiện tại, đó vẫn là nơi không ai có thể sống được. Lần này cũng sẽ là lần cuối cùng tôi được quay trở lại nơi đây".
Khi thành phố Tokyo giành quyền đăng cai Olympic 2020 vào tháng 9/2013, họ coi đó là biểu tượng mạnh mẽ cho sự hồi sinh thần kỳ của Nhật Bản sau thảm họa, đồng thời khẳng định sự thành công của chính sách kinh tế 3 mũi nhọn, khởi xướng bởi cựu thủ tướng Shinzo Abe.
Nhiều thứ đã thay đổi và cụ Nemoto không phải là người duy nhất cảm thấy một chút gì đó thất vọng. Công cuộc tái xây dựng vùng đông bắc được triển khai từ rất lâu trước đó, nhưng sau khoản tiền đầu tư lên tới 200 tỷ USD, đây vẫn là công việc nhiều bộn bề, dở dang. Ông Abe không còn là thủ tướng Nhật Bản nữa sau khi từ chức một năm về trước, khi Covid-19 bùng phát. Và chính cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến cho thế vận hội phải trì hoãn một năm. Lệnh cấm đối với khán giả nước ngoài được ban bố.
Chỉ có 23,3% người dân Nhật Bản ủng hộ việc tổ chức kỳ thế vận hội vào năm nay, theo khảo sát mới nhất được thực hiện bởi Kyodo News, giảm đáng kể so với con số 73% hồi tháng 1/2013.
Vì phần lớn người dân không còn muốn Nhật Bản là nước chủ nhà của thế vận hội, đồng thời khán giả quốc tế cũng không thể chứng kiến tận mắt các môn thi đấu, một câu hỏi lớn đang được đặt ra đối với sự kiện này. Ý nghĩa đằng sau Olympic Tokyo là gì?.
"Tôi muốn khán giả quốc tế đến với Nhật Bản và Fukusima", Kenichiro Mizoi, 76 tuổi, một trong những người rước đuốc cao tuổi nhất và là một cư dân lâu đời của Fukushima, nói. "Tôi không chắc chúng tôi có thể cho toàn thế giới thấy được quá trình tái thiết của chúng tôi, nếu như không có một khán giả quốc tế nào đến với sự kiện này".
Khán giả quốc tế được ước tính sẽ mang lại nguồn thu khoảng 92 triệu USD cho Nhật Bản, chỉ tính tiền bán vé tại các địa điểm tổ chức thi đấu. Những thống kê mới nhất cho thấy quốc gia chủ nhà có thể thất thu tới 1,8 tỷ USD, trong đó bao gồm tiền vé bị hủy, và các nguồn thu khác từ khách sạn, vận chuyển, mua sắm, theo viện nghiên cứu Nomura.
Đối với đơn vị tổ chức, Olympic mang tới nhiều cơ hội chính trị hơn là lợi ích về tài chính.
"Olympic sẽ thúc đẩy các quốc gia mở rộng các mối quan hệ với nhiều quốc gia khác trên thế giới", theo Jun Saito, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Công giáo Quốc tế, thành phố Tokyo.
Pyeongchang 2018, sự kiện Olympic gần đây nhất, có chi phí tổ chức lên tới 12,9 tỷ USD, cao gấp 3 lần con số ước tính 3,5 tỷ USD đưa ra bởi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Nhưng đối với chính quyền Seoul, đó là cơ hội có một không hai khi vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc có thể thi đấu dưới chung một lá cờ.
Thế vận hội mùa đông 2018 cũng mang tới cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un những thành tựu ngoại giao nổi bật sau nhiều năm căng thẳng leo thang với Mỹ. Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un, ngồi dự khán cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong lễ khai mạc.
"Đó chính là sự chuyển hướng từ giai đoạn khủng hoảng 2017 sang giai giai đoạn hợp tác tích cực xây dựng 2018-2019", theo Ankit Panda, chuyên viên cấp cao tại viện chính sách Carnegie Endowment for International Peace, Washington.
Trung Quốc đăng cai Olympic mùa hè 2008 với chi phí ước tính lên tới 45 tỷ USD, chỉ sau 2 năm quốc gia này vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thế vận hội mùa đông 2022 cũng sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, và sẽ đóng vai trò là sự giới thiệu với toàn thế giới rằng Trung Quốc vẫn là một thế lực lớn của thế giới kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn mang nhiều tính de đọa.
Trung Quốc thậm chí còn muốn đóng góp cho Olympic Tokyo thông qua việc cung cấp vaccine Covid-19 cho các vận động viên tham dự, một động thái gây ra nhiều nghi ngại từ phía nhật Bản.
"Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích quốc tế rằng quốc gia này đã chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 những ngày đầu tiên. Do đó, họ muốn gây dựng lại hình ảnh vốn bị ảnh hưởng ít nhiều thông qua công tác ngoại giao khẩu trang và vaccine", theo Ichiro Korogi, giáo sư tại Đại học Kanda.
"Mục tiêu ẩn sau hành động của Trung Quốc là cho cả thế giới thấy rằng Olympic Tokyo được tổ chức thành công là nhờ vào vaccine của họ", ông nói.
Nhưng Nhật Bản cũng không thể chê trách Trung Quốc khi tận dụng thế vận hội để đạt được những lợi ích quốc tế. Olympic mùa hè năm 1964 được tổ chức tại Tokyo thực sự là một "kỳ thế vận hội tái thiết", từ thiệt hại nặng nề của Thế Chiến II và giúp cho thế giới thấy Nhật Bản giờ đây trở thành một nền kinh tế phát triển với những đoàn tàu siêu tốc, sân bay và hệ thống đường cao tốc hiện đại.
"Với Olympic Tokyo 1964, Nhật Bản đẩy mạnh thương mại tự do và trở thành thành viên của tổ chức OECD cũng trong cùng năm đó", theo Saito. "Chắc chắn tồn tại những lợi ích kinh tế không chính thức tại kỳ thế vận hội này vì nó đã mang tới cho Nhật Bản cơ hội để có thể cởi mở hơn đối với cộng đồng quốc tế".
Lần này, Nhật Bản và đơn vị tổ chức Olympic cũng có những điều chỉnh để thích ứng với dịch bệnh Covid-19 khi mở rộng chủ đề của Olympic lần này từ thành quả tái thiết nội địa sau thảm họa sang sự phục hồi toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với IOC để có thể tổ chức Olympic và Paralympic một cách toàn diện nhất, để có thể cho những thế hệ tương lai thấy được một chân lý rằng nhân loại đã vượt qua được dịch bệnh", cựu thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong sự kiện công bố thông tin hoãn Olympic năm ngoái.
Nhưng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, với việc nợ của các chính phủ vẫn không ngừng tăng lên do chi phí đối phó với dịch bệnh. Điều này có thể khiến cho việc đăng cai thế vận hội trở nên kém hẫp dẫn hơn, và tác động của dịch bệnh lên Olympic 2020 có thể sẽ khiến cho công tác tổ chức các kỳ Olympic trong tương lai trở nên tiết kiệm hơn.
"Tokyo 2020 có thể là điểm ngoặt khiến cho quy mô các thế vận hội trong tương lai giảm xuống, theo Munehiko Harada, giáo sư tại Đại học Waseda, Tokyo.
Hiện tại, số lượng các thành phố tranh cử đăng cai Olympic 2024 giảm đi đáng kể, Harada cho biết. Chỉ có Paris và Los Angeles, những thành phố hoa lệ sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng tối tân trước đó cũng đã là chủ nhà của các kỳ Olympic, vẫn đang chạy đua đăng cai Olympic 2024. Con số các thành phố ứng cử đăng cai Olympic 2004 là 11.
IOC, hoàn toàn ý thức được việc các thành phố đang tỏ ra lưỡng lự trong quá trình tranh cử đăng cai Olympic, chuyển hướng sang mô hình tổ chức các kỳ thế vận hội với chi phí hiệu quả hơn, đồng thời tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có. Olympic Tokyo "sẽ là kỳ Olympic cuối trong thế giới cũ, nơi mà tư tưởng bạn phải sử dụng rất nhiều tiền và mọi người đều đồng tình với vấn đề đó, vì đơn giản, đó là Olympic", theo Victor Matheson, giáo sư tại Trường Holy Cross, Mỹ.
Saito cho rằng "nhiều quốc gia đang phải gánh trên vai gánh nặng kinh tế gây ra bởi đại dịch, sẽ có ít hơn các thành phố đứng lên tranh cử tư cách đăng cai các sự kiện thể thao trong tương lai, dựa trên tính hình tài chính của họ".
Những người phản đối các sự kiện thể thao chắc hẳn sẽ đắc ý nhất.
Tại một điểm dừng chân trong suốt quá trình rước đuốc, một người phản đối la hét từ chiếc xe van của anh, cho rằng việc tiếp tục tổ chức thế vận hội giữa đại dịch và suy thoái kinh tế là điều điên rồ. Ngay cả những người dân địa phương, những người có mặt để cổ vũ những người rước đuốc đến từ nơi họ đang sinh sống, quên đi các khuyến cáo nên theo dõi sự kiện tại nhà, cũng có những cảm xúc trái chiều.
"Không có mục tiêu rõ ràng nào cho quá trình tái thiết sau thảm họa", theo một cư dân 32 tuổi đến từ Nahara, thị trấn nằm gần nhà máy hạt nhân. "Nó sẽ kéo dài mãi mãi".
Những người rước đuốc sẽ chạy qua các thị trấn, vốn vẫn đang bị phong tỏa do nhiễm phóng xạ. Một sân vận động tại tỉnh Fukushima, được cải tạo để tổ chức các trận bóng chày và bóng ném, được cho là sẽ khá đìu hiu do thiếu đi các khán giả quốc tế.
Keiko Sugasawa, cư dân 73 tuổi tại Nihonmatsu, Fukushima, cho biết "trên đường tới cổ vũ sự kiện, tôi nhìn thấy những túi bóng đen đựng đầy đất bị nhiễm xạ hai bên đường. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng sẽ còn rất lâu nữa quá trình tái thiết mới hoàn thành".
Ngoài sự tham gia của một số ít các cổ động viên, 300 người rước đuốc, các nhà tổ chức và giới truyền thông, hành trình rước đuốc qua các tỉnh Fukushima và hai tỉnh liền kề là Iwate và Miyagi, diễn ra khá trầm lắng. Thủ tướng Yoshihide Suga không tham dự sự kiện này do bận một kỳ họp của quốc hội ở Tokyo.
"Chúng tôi không cảm nhận được không khí lễ hội đang diễn ra tại đây", theo Michiko Saito, giám đốc Utsukushima Sports Rooters, tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận tại Fukushima.
Tại buổi khai mạc lễ rước đuốc, thống đốc tỉnh Fukushima, Masao Uchibori, gửi lời cảm ơn tới các đơn vị tổ chức khi đã chọn nơi làm việc của mình làm nơi xuất phát, nhưng cũng thừa nhận còn một con đường dài phía trước. "Người dân đang dần quên đi nỗi đau từ thảm họa, do đó, 'một Olympic tái thiết' là điều vô cùng đặc biệt với người dân Fukushima".
Koichi Nakano, giáo sư tại Đại học Sophia, lại có quan điểm khác. Ông cho rằng "Olympic tái thiết" sẽ chẳng mang ý nghĩa gì ngoài sự biện hộ cho việc lãng phí hàng tỷ USD cho một sự kiện quốc tế. "Đó là một câu khẩu hiệu trống rỗng không mang bất cứ một hàm ý cụ thể nào", ông cho biết.
Cho dù nền kinh tế đang đối diện rất nhiều khó khăn và tâm trạng người dân cũng đang không ở mức tốt, Nhật Bản vẫn không từ chối trách nhiệm đăng cai giống như một số các quốc gia khác. Thậm chí, quốc gia này còn mong muốn được đăng cai một kỳ thế vận hội khác.
Tỉnh Hokkaido đầy tuyết, vùng cực bắc của Nhật Bản, đang chuẩn bị cho cuộc chạy đua đăng cai Olympic mùa đông 2030, với sự hỗ trợ từ 80% các doanh nghiệp đang hoạt động tại thủ phủ Sapporo của tỉnh này.
Nakano không giấu giếm được sự hoài nghi của mình. "Tôi cho rằng các quan chức bảo thủ đang tại vị sẽ lại một lần nữa phạm phải sai lầm, vì họ đã cạn kiệt ý tưởng để tái khởi động nền kinh tế", ông nói. Giả sử việc di chuyển sẽ trở lại bình thường, "họ chắc chắn sẽ nghĩ về việc tổ chức một số các sự kiện để có thể kéo khách du lịch trở lại Nhật Bản".
Xem thêm: nhc.7185459040401202-nab-tahn-auc-nod-oc-cipmylo-yk/nv.fefac