Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, những khách hàng (bao gồm khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, nông dân vay cho mục đích làm nông nghiệp) đã có khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 hoặc đã tới hạn phải trả nợ gốc hoặc lãi trong thời hạn từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021 là những đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết ngày 31/12/2021.
Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải thuộc các điều kiện như: số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021. Đồng thời, được ngân hàng đánh giá không có khả năng trả nợ đúng hạn do thu nhập, doanh thu bị giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, nông dân... sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay đến hết năm 2021 |
Không chỉ được cơ cấu lại nợ, khách hàng còn được miễn, giảm lãi, giảm phí đến hết năm 2021 nếu thuộc các trường hợp sau: có khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phát sinh trước ngày 10/6/2020 và có thời gian trả nợ từ 23/1/2020 đến 31/12/2021.
Như vậy, khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, nông dân có những khoản nợ trong thời hạn trên nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể liên hệ các ngân hàng làm hồ sơ xin gia hạn thời gian trả nợ, miễn và giảm lãi vay.
Việc cho phép khách hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay đến hết năm 2021 được đánh giá là có những bước tiến mới, thay thế Thông tư 01/2020 (được cho là không còn phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp). Trong khi trước đó, Thông tư 01/2020 quy định thời hạn áp dụng khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, được cho là quá ngắn. Bản dự thảo Thông tư 03 trước đó quy định thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn cũng chỉ đến 31/3/2021.
Được biết, Thông tư 01 ban hành năm 2020 đến nay đã giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5 % so với trước dịch.
Thanh Hoa