Hiến kế giúp Huế phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế
Chánh Trung
(KTSG Online) - Những người con của Huế, những người yêu Huế tại TPHCM đã đóng góp các ý kiến thiết thực để giúp Huế tăng tốc phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa xã hội.
Nhiều sản phẩm đặc sản Huế, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, khởi nghiệp... của Huế được trưng bày tại dinh Thống Nhất. Ảnh: Chánh Trung |
Ngày 4-4 tại Hội trường Dinh Thống Nhất TPHCM, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi gặp mặt “Gặp gỡ Huế- Hành trình xây dựng Giấc mơ Huế” với mục đích tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận tham gia góp ý, hiến kế cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tất cả các lĩnh vực.
Sự kiện với sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội,... là người Huế xa quê, là những người yêu Huế, quan tấm đến sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là diễn đàn trao đổi về tình hình kinh tế chính trị văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể để góp phần xây dựng phát triển tỉnh theo hướng phát triển bền vững dựa trên thành phố Huế di sản với các mô hình phát triển mới theo hướng bốn trung tâm: giáo dục, y tế, văn hoá du lịch, công nghiệp công nghệ cao.
Để tiếp tục kêu gọi mọi người, cộng đồng tiếp tục đóng góp ý kiến, hiến kế cho chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế chương trình “Gặp gỡ Huế - Hành trình xây đắp Giấc mơ Huế” là nơi gặp mặt nhằm thông tin định hướng phát triển, tiếp nhận kiến nghị, hiến kế xây dựng quê hương, tôn vinh những hỗ trợ, đóng góp xây dựng Huế giữa Chủ tịch UBND tỉnh với những người con Huế xa quê, những người yêu Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: "Trong hành trình về với Huế các bạn đã gặp phải những khó khăn, không ít những bất cập làm các bạn chưa hài lòng, những ý tưởng, hiến kế chưa có điều kiện để triển khai đôi khi làm các bạn chưa vui... Tuy nhiên tại buổi gặp gỡ này tất cả các ý kiến, đóng góp đều sẽ được ghi nhận và triển khai để góp phần giúp Huế tăng tốc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, du lịch…”.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết: “Huế cần tổ chức hằng năm tại Huế các buổi họp mặt tương tự như buổi gặp mặt hôm nay để thu nhận thêm các ý kiến đóng góp phát triển Huế. Sau đó cần thành lập ban chuyên trách về người Huế ở ngoài tỉnh để ghi nhận thông tin, đóng góp, học tập từ những nơi khác… từ đó góp ý để tỉnh phát triển. Nhất thiết cần xây dựng các dự án nhằm tránh thất thoát chất xám của Huế cũng như đảo ngược dòng chất xám, đưa nhân lực, nhân tài từ những nơi khác về phục vụ cho Huế. Và huy động chất xám nhiều hơn nữa trong nước, ngoài nước phục vụ cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá du lịch, công nghiệp công nghệ cao hiện có. Bên cần đó cần xây dựng dự án Đường phượng tím phía sau đại nội để phục vụ du lịch, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực tại trường Quốc học Huế,…”.
Khách tham quan, những người yêu Huế thưởng thức các món ăn ngon của Huế tại Dinh Thống Nhất. Ảnh: Chánh Trung |
TS. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý: “Huế đang trên đường hướng đến đô thị loại I và trở thành đô thị di sản của cả nước vì vậy cần phải nhanh chóng xem xét quy hoạch mới một cách toàn diện, tránh bị động để góp phần phát triển cho Huế. Về góc độ quy hoạch kiến trúc tôi xin góp ý là đầu tiên cần quan tâm đến vấn đề an cư lạc nghiệp của người dân. Và muốn an cư lạc nghiệp thì cần đẩy mạnh phát triển xây dựng các đô thị mới, phát triển kinh tế".
Tiếp đó cần bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc và di sản thiên nhiên song song với phát triển giá trị di sản mới như đô thị di sản mới, đô thị mới hiện đại… Huế cũng cần quan tâm đến phát triển, định hướng bền vững để phát triển lâu dài trong đó quan tâm đến lũ lụt, biến đổi khí hậu… Huế cũng phải tham gia hội nhập quốc tế, tiến hành hợp tác phát triển vùng, quốc gia, hợp tác quốc tế… để góp phần tăng tính cạnh tranh cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Nhiều chuyên gia nhà khoa học khác cũng cho biết nguồn nhân lực để phát triển Huế hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn về mặt tìm người giỏi để đào tạo nhân lực lẫn khó khăn về tìm kiếm nhân tài để đào tạo. Các nhà trường tại Huế cần đi sâu sát với doanh nghiệp hơn vì hiện nay nhân lực ở Huế còn thiếu nhiều kỹ năng mềm, trải nghiệm sống cần nâng cấp nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó một số chuyên gia cũng cho biết Huế cần tận dụng các đầm phá để xây dựng hệ thống điện thủy triều cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cần phải đẩy mạnh bảo tồn di sản tuy nhiên cũng phải lưu ý phát triển đô thị hiện đại để phục vụ phát kinh tế xã hội. Bảo tồn di sản phải đi kèm với quy hoạch, phát triển đô thị hiện đại thì mới có thế phát triển nhanh được. Và cũng cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ như các nước khác trên thế giới để bảo vệ, bảo tồn di sản.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết: “tất cả các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, những người yêu Huế sẽ được UBND tỉnh ghi nhận hoàn toàn và sẽ có tổ chức nghiên cứu, triển khai những ý kiến này trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho nguồn lực cho Huế thì Huế đang xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực cũng như đánh giá lại về nguồn nhân lực để có kế hoạch chuẩn bị tốt hơn. Các dự án như Đường phượng tím sẽ yêu cầu các cơ quan có liên quan nghiên cứu để xây dựng trong thời gian tới đây”.
Xem thêm: lmth.et-hnik-aoh-nav-hcil-ud-neirt-tahp-euh-puig-ek-neih/541513/nv.semitnogiaseht.www