Sóng ngầm M&A đang diễn ra trên thị trường khách sạn
Đào Loan
(KTSG Online) - Việc kinh doanh của các khách sạn ở Việt Nam vẫn rất khó khăn sau hơn một năm đại dịch nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn quyết định mở rộng đầu tư vì thấy thấy thị trường tương lai đầy hứa hẹn. Nhiều doanh nhân cho biết, làn sóng ngầm mua bán, sáp nhập (M&A) cũng bắt đầu xuất hiện ở thị trường này.
Việc kinh doanh của các khách sạn ở Việt Nam đang rất khó khăn vì Covid-19 nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, cơ hội đang ở phía trước. Ảnh: Đào Loan |
Đã có "sóng ngầm" M&A
Mới đây, một số doanh nhân trong ngành khách sạn trao đổi thông tin về việc một công ty thông báo đang tìm mua nhiều khách sạn từ 3 sao đến 5 sao tại Việt Nam. Công ty này còn công bố có thể mua các khách sạn có giá từ hơn 110 tỉ đến gần 7.000 tỉ đồng và đề nghị những nơi có tài sản muốn bán gửi thông tin.
"Công ty này còn mới nhưng nghe nói họ có vốn và cũng vừa công bố hợp tác với một quỹ đầu tư bất động sản lớn của nước ngoài để thực hiện các thương vụ", một doanh nhân nói.
Theo đó, sự kiện này cùng với những chuyển động trên thị trường gần đây cho thấy có thể "làn sóng" mua bán và sáp nhập trên thị trường khách sạn bắt đầu chuyển động sau một năm đại dịch.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Khách sạn Chez Mimosa, cho rằng các thương vụ M&A đang âm ỉ diễn ra trên thị trường. Thực tế, đã có những nhà đầu tư đang đi thâu tóm các khách sạn, đặc biệt là khách sạn ở những địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Lạt, Phú Quốc trong thời dịch. Bên cạnh đó, các yêu cầu tìm mua khách sạn cũng nhiều hơn.
"Từ trước tết Nguyên Đán đến nay, chúng tôi nhận được 6 yêu cầu tìm mua khách sạn và tư vấn mua khách sạn của 2 tập đoàn ở Dubai, Ấn Độ cùng 3 quỹ đầu tư và cá nhân trong nước", bà nói.
Công ty này cũng có chuỗi khách sạn nhỏ với thương hiệu Chez Mimosa. Mới đây, có nhà đầu tư ngỏ lời muốn góp vốn để mở rộng chuỗi trong mùa dịch.
"Theo ghi nhận từ các kênh đặt phòng trực tuyến, có khoảng 2.000 khách sạn nhỏ ở Việt Nam đóng cửa trong mùa dịch. Thị trường rất khó khăn nhưng nhiều người lại thấy tương lai của mảng này nên âm thầm thu gom", bà Tâm nói.
Thông tin từ Công ty Savills Việt Nam cũng cho thấy thông tin tương tự, là có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tìm mua khách sạn. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua các khách sạn từ 4-5 sao hoặc những khu đất có thể phát triển loại khách sạn này tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng...
"Chúng tôi nhận rất nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để mua khách sạn. Nhu cầu muốn được chuyển nhượng lại khách sạn hoặc quỹ đất có thể đầu tư khách sạn 4, 5 sao ở các thành phố như Hà Nội và TPHCM của các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn", ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam nói.
Theo đó, với các thương vụ M&A, nhà đầu tư nước ngoài muốn nhắm đến các khách sạn 4 và 5 sao ở thành phố vì thấy cơ hội lớn khi Việt Nam mở cửa trở lại. Tuy nhiên, không phải muốn mua là có thể mua vì chủ đầu tư của các tài sản này cũng thấy được cơ hội tương tự nên chưa muốn chuyển nhượng dù đang rất khó khăn.
"Nhiều khách sạn phải đóng cửa suốt mấy tháng 3, 4 tháng vì không có khách nhưng chủ đầu tư không muốn chuyển nhượng vì kỳ vọng tài sản sẽ có thể tăng giá trị và đem lại dòng tiền đều đặn khi thị trường khởi động trở lại", ông nói.
Theo ông, thực tế đang diễn ra trên thị trường mua, bán khách sạn là trong khi nhiều nhà đầu tư muốn mua các tài sản ở phân khúc 4,5 sao thì bên nắm giữ chưa muốn bán thì nhiều chủ đầu tư ở phân khúc 3 sao trở xuống rất muốn chuyển nhượng nhưng lại khó tìm người mua.
Mua không được thì thuê
Trong khi phần lớn các thương vụ M&A chỉ mới bắt đầu thì các thương vụ cho thuê khách sạn, đặc biệt là các khách sạn có quy mô vừa phải đang diễn ra sôi nổi hơn. Theo nhiều doanh nhân, trong thời dịch, đã có những nhà đâu tư thuê lại hàng chục khách sạn đang ế ẩm để mở chuỗi.
Trong đó, có một chuỗi khách sạn của các nhà đầu tư tư nhân đã nâng số khách sạn lên gấp đôi trong mùa dịch. Chuỗi này hiện có khoảng 50 khách sạn tại các điểm du lịch thu hút khách như Vũng Tàu, Đà Lạt và chuẩn bị ra Phú Quốc.
Phát triển khách sạn trong lúc vắng khách như hiện nay là thách thức nhưng nếu biết khai thác thì vẫn có thể cầm cự được vì giá thuê mặt bằng đang rẻ. Thêm vào đó, nhà đầu tư lại có cơ hội thuê được mặt bằng tốt, những nơi mà chủ cũ "giữ chặt" lúc du lịch còn đông khách.
Theo thông tin từ nhiều doanh nhân, giá thuê trong năm nay giảm từ 30-50% so với giá hồi trước dịch; giá cho những năm tới cũng được tính khá tốt. Tại TPHCM, ngay cả những vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố như trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, dù đã giảm giá thuê đến một nửa nhưng có những chủ nhà cho biết vẫn có thể thương thảo để có giá tốt hơn nếu người thuê tiến hành giao dịch nhanh.
Bà Tâm của Chez Mimosa cũng cho rằng, việc nhiều nhà đầu tư thuê mặt bằng để phát triển khách sạn từ 3 sao trở xuống trong lúc vẫn còn Covid-19 là có thật. Tại công ty này, nếu như hồi giữa năm ngoái đã phải trả bớt mặt bằng vì các khách sạn phải đóng cửa do không có khách quốc tế nhưng nay lại đang tìm kiếm mặt bằng để thuê nhằm phát triển khách sạn mới.
"Chúng tôi thấy tiềm năng lớn trong năm 2022 nên muốn mở rộng, nếu chủ nhà hỗ trợ giá tốt cho mùa dịch năm nay thì sẽ thuê ngay", bà nói.
Doanh nhân này cũng cho biết, hiện đang có kế hoạch hợp tác với chủ của một chuỗi khách sạn để mở rộng việc quản lý ra các địa phương khác ngoài TPHCM, nơi Chez Mimosa đang có thế mạnh.
Mời đọc thêm:
Có tình trạng người nước ngoài đầu tư chui tại các địa bàn trọng yếu
Việt Nam nối lại đường bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ tháng 7 tới
Chính phủ chi thêm 1.237 tỉ đồng mua, tiêm vaccine ngừa Covid-19
Xem thêm: lmth.nas-hcahk-gnourt-iht-nert-ar-neid-gnad-am-magn-gnos/341513/nv.semitnogiaseht.coaid