Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết, trong tháng Hai, doanh thu bán lẻ tại nước này đã giảm 9% so với một năm trước, sau đợt đóng cửa do dịch COVID-19 lần thứ hai, khiến một số lượng lớn các cửa hàng phải đóng cửa. Tuy nhiên, dữ liệu từ cơ quan này cũng cho thấy hoạt động kinh doanh trực tuyến và qua thư điện tử trong cùng thời gian này tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, nhờ hoạt động kinh doanh trực tuyến nở rộ, doanh số bán lẻ trên khắp các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tránh được tình trạng sụt giảm tồi tệ hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Dữ liệu từ Eurostat cho thấy thương mại bán lẻ trung bình hàng năm tại EU trong năm 2020 chỉ giảm 0,8%, trong khi GDP giảm với tốc độ hàng năm là 6,2%. Một cuộc khảo sát tại 19 quốc gia châu Âu vào cuối năm 2020 do Ecommerce Europe, hiệp hội đại diện cho hơn 100.000 nhà bán lẻ trực tuyến ở châu Âu thực hiện, chỉ ra rằng tất cả những người được hỏi đều báo cáo doanh số bán sản phẩm trực tuyến tăng trưởng tích cực trong năm qua, dao động từ 5-10% ở Ba Lan đến 60-75% ở Phần Lan.
Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy thương mại điện tử đã trở thành một cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp truyền thống đã phải đóng cửa, cho phép họ tiếp tục hoạt động trong thời gian chính phủ áp lệnh đóng cửa.
Mặc dù nhu cầu kinh doanh trực tuyến tăng mạnh trong năm qua, cuộc khảo sát còn cho thấy nhiều lĩnh vực nhìn chung có doanh số tăng, trong khi một số phân khúc lại ghi nhận doanh số giảm. Ví dụ, các dịch vụ thương mại điện tử như du lịch hay bán vé trực tuyến đã giảm từ 40% đến 70%, trong khi lĩnh vực thời trang, đặc biệt là trang phục mặc nhà, ghi nhận doanh thu cải thiện.
Với nguy cơ lây nhiễm vẫn cao ở châu Âu, ngành bán lẻ đang đứng trước một năm đầy khó khăn trong năm 2021. Một cuộc khảo sát mới từ Liên đoàn Bán lẻ Đức (HDE) cho thấy 54% cửa hàng thời trang đối mặt với nguy cơ phá sản sau 100 ngày đóng cửa.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Ecommerce Europe cho hay doanh số bán trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 và đà tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ phụ thuộc vào các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trước khi đại dịch bùng phát, hầu hết khách hàng ở châu Âu đưa ra quyết định mua hàng tại cửa hàng, chọn sản phẩm dựa trên những gì họ nhìn thấy và thường thanh toán bằng tiền mặt.
Một cuộc khảo sát của Bundesbank cho thấy dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng Đức. Tỷ lệ số người thay đổi hành vi thanh toán đã tăng từ 25% lên 43% chỉ trong vòng một tháng sau khi đại dịch bùng phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!