Hộ cận nghèo dễ tái nghèo
Thoát nghèo 3 năm, gia đình mới có chút tích lũy thì năm trước, mệt mỏi đi khám, chị Điềm (hộ cận nghèo xã Liên Hội, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) được phát hiện mắc u máu. Tháng nào chị cũng phải về Hà Nội, bạch cầu cao thì ở lại điều trị, bạch cầu xuống thấp thì lấy thuốc về uống. Gần 1 năm chị đau ốm đã đem hết của nả trong nhà ra đi.
Các thôn, bản hàng năm đều phát sinh hộ nghèo - cận nghèo mới, kể cả các xã nông thôn mới. Như gia đình chị Phượng (hộ cận nghèo xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vốn ở nhà ngoại ở xã khác. Lúc gia đình chị về quê chồng cũng là lúc thôn có thêm 1 hộ cận nghèo.
Ruộng không có, nhà thì ở nhờ, đồ đạc hiện có có đều được họ hàng cho. Chị yếu chỉ loanh quanh, còn thu nhập cả nhà chỉ trông vào người chồng làm phụ xây.
Các thôn, bản hàng năm đều phát sinh hộ nghèo - cận nghèo mới.
Ở nông thôn, miền núi, thu nhập "trồi - sụt" có thể đẩy hộ vừa thoát nghèo lại quay lại cận nghèo. Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, dự báo số hộ cận nghèo sẽ tăng trong thời gian tới do thiếu việc làm, giảm thu nhập diễn ra ở nhiều địa phương.
Theo cách tính hiện nay, đa phần hộ cận nghèo ra khỏi danh sách "nghèo" hàng năm chỉ là "thoát nghèo" theo chuẩn, chứ chưa thoát khỏi tình trạng nghèo đói thực sự. Các địa phương tới đây sẽ phải rà soát hộ nghèo - cận nghèo theo chuẩn mới để đánh giá đúng thực chất.
Tiêu chí sẽ cao hơn, cụ thể là từ năm 2022, tiêu chí thu nhập với khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng sẽ là hộ nghèo.
Để bình xét không phải là "xin - cho"
Hiện nay, tại nhiều địa phương, việc đánh giá thế nào là hộ cận nghèo lại đang dựa vào tình làng nghĩa xóm để bình bầu, thay vì là dựa vào những tiêu chí cụ thể để soi xét, hoặc thậm chí là còn tạo ra những con số ảo.
Trên thực tế, không ít trường hợp là người dân có điều kiện nhưng không xây nhà, không mua sắm tài sản. Thậm chí, còn cố tình giấu bớt tài sản đi, bán bớt tài sản đi để được xét vào hộ cận nghèo rồi được hưởng những hỗ trợ của nhà nước.
Trước tình hình này, các xóm làng, các địa phương đang phải thay đổi, nhất là trong nhận thức để làm sao những hộ thực sự khó khăn sẽ nhận được hỗ trợ.
Gia đình ông Chất (thôn Thành Nam, xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhiều năm là hộ cận nghèo ở Thành Nam. Năm 2020, khi con gái đi lấy chồng, con trai đi làm, gánh nặng nuôi con ăn học không còn.
Giờ nhà chỉ còn 2 vợ chồng, vợ thì làm có lương, còn ông ở nhà sữa chữa đồ điện - thu nhập đủ sống và thôn bình xét đưa gia đình ông khỏi danh sách.
Gia đình ông Chất (trái) được thôn bình xét đưa khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Chuyện "giả nghèo - giả khổ" ở thôn làng, giờ rất khó. Nhà nào mua gì, sắm gì, thậm chí ăn gì hàng xóm láng giếng đều biết rõ. Để được bình xét, chấm điểm, thôn làng nào cũng phải họp lên họp xuống nhiều lần, công khai danh sách nhiều ngày để cả thôn biết.
Chỉ một vụ canh tác được mùa, hoặc chuyển đổi giống cây trồng thành công có thể giúp nhiều gia đình thoát nghèo hoặc mất mùa, thiên tai hay bệnh tật thì lại "tái nghèo". Các cuộc bình xét không còn "cứng nhắc" theo thang bảng điểm, mà còn có sự so sánh, đánh giá quá trình từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, chuyện bình xét hộ cận nghèo ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng đầy thách thức bởi thu nhập bình quân nhiều nơi chỉ tăng được 1,2 lần so với 5 năm trước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến điệp khúc "thoát rồi tái" nghèo lặp đi lặp lại.
Nhiều cán bộ địa phương cho biết nếu thôn làng không đánh giá bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo dựa trên các tiêu chí, mà cứ nể nang sẽ rất khó. Những chuyện như là người có nhà cho thuê, có tiền gửi tiết kiệm hàng trăm triệu nhưng vẫn là hộ cận nghèo, rồi nhà cao cửa rộng vẫn là hộ nghèo sẽ còn tiếp diễn.
Quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều 2021 - 2025 sẽ không chỉ thay đổi những điều kiện về hộ nghèo và hộ cận nghèo, mà còn hướng tới thay đổi nhận thức của từng hộ dân nỗ lực thoát nghèo và công tâm trong bình xét.
VTV.vn - Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm qua (15/3).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.98802440240401202-oehgn-iat-gnohk-oehgn-nac-oh-ed-tahc-cuht-hnid-cax/et-hnik/nv.vtv