Như Thanh Niên đã thông tin, theo báo cáo của Trường tiểu học Archimedes Academy, ngày 22.6, học sinh (HS) trường này tham gia dã ngoại tại Bát Tràng (H.Gia Lâm, Hà Nội) theo kế hoạch và quay trở lại trường vào lúc 12 giờ 10. Xe dừng đỗ khoảng 10 phút để trả HS, giáo viên đã chủ quan bỏ qua việc điểm danh HS khi xuống xe, dẫn đến việc bỏ sót một em đang ngủ trên xe.
Khoảng 12 giờ 30, giáo viên phát hiện thiếu một HS nên các thầy cô giáo chia nhau đi tìm, đồng thời liên hệ với lái xe. Khoảng 12 giờ 40, giáo viên nhận được thông tin đồng thời từ lái xe và mẹ của HS. Lái xe lập tức đưa HS quay trở lại và có mặt tại trường lúc 12 giờ 45.
Ban giám hiệu nhà trường đã gặp cha mẹ HS để xin lỗi và tiến hành họp kiểm điểm những cá nhân có liên quan.
Trong "tâm thư" gửi phụ huynh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Archimedes Academy Vũ Thị Bảo Trâm đã xin lỗi, nhận trách nhiệm và "cam kết không có bất cứ sự cố nào xảy ra gây bất an và ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các con và gia đình".
Trước khi hiệu trưởng có "tâm thư" này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có động thái yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể sự việc.
Trước đó, tại Hà Nội và vài địa phương đã xảy ra một số vụ việc đau lòng liên quan đến việc HS bị bỏ quên trên ô tô đưa đón.
Quá lo lắng !
Bạn đọc (BĐ) Tien Van chia sẻ: "Rất may lần "bỏ quên" HS trên ô tô này không gây ra chuyện đáng tiếc. Nhưng nó vẫn khiến cho nhiều người lo lắng, bất an. HS tiểu học ngủ quên trên xe là chuyện bình thường, nhưng việc tài xế, giáo viên "bỏ quên" HS trên xe thì không thể coi là chuyện bình thường được. Phải xem đây là bài học không thể quên, để không bao giờ xảy ra nữa".
Xe chuyên dành đưa rước HS tiểu học, THCS hằng ngày thì phải dán tờ giấy lên kiếng lái bên phụ, lưu ý trẻ còn trên xe.
Thach Sanh
Việc này đã xảy ra nhiều lần ở nhiều trường và cũng đã xảy ra chuyện đau lòng rồi, tại sao vẫn chưa rút kinh nghiệm? Chắc do sợi dây kinh nghiệm quá dài nên rút hoài chẳng được...
Mai Truong Son
Với những lớp đông HS, đề nghị phải có ít nhất 2 giáo viên đi theo các em. Có 1 giáo viên không thể bao quát, quản lý hết được, nhất là các em rất hiếu động.
Le Minh
Cùng quan điểm, BĐ Nguyen Van Hung nhắc nhở: "Chắc mọi người còn nhớ vụ một HS bị bỏ quên trên xe rồi tử vong vào năm 2019. Vụ này rất đau lòng, khi một HS tử vong; tòa phúc thẩm tuyên: 2 bị cáo (người đưa đón và tài xế) cùng lãnh án tù về tội vô ý làm chết người, 1 bị cáo (giáo viên chủ nhiệm) bị tuyên 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hãy làm hết trách nhiệm của mình; đừng hời hợt, qua loa với chuyện đưa đón HS".
Trong khi đó, nói về lần "bỏ quên" HS này, BĐ Lệ Đá bức xúc cho biết: "Có thể nói ngay không cần suy nghĩ "lỗi của giáo viên và lái xe". Giáo viên phải kiểm đếm số HS khi lên, xuống xe. Lái xe phải kiểm tra toàn bộ các ghế ngồi trong xe khi HS đã xuống xe, xem còn sót lại ai không. Chuyện đơn giản nhưng liên quan đến sinh mạng con người mà lại bỏ qua. Thật tắc trách!".
Tuyệt đối không để xảy ra chuyện "bỏ quên" học sinh trên xe !
Đó là yêu cầu khắt khe của nhiều BĐ đối với những người có trách nhiệm. BĐ Trần Thị Vân Anh cho biết: "Khi đưa HS đi tham quan, giáo viên chủ nhiệm luôn là người ngồi cuối xe. Cô phải là người cuối cùng rời xe, phải vừa quan sát HS, vừa kiểm tra đồ dùng nếu HS để quên. Khi HS hết buổi ngoại khóa, cô cũng phải đứng ở vị trí kiểm soát để HS được phụ huynh đón xong thì cô mới ra về. Như vậy thì không bao giờ có chuyện HS bị "bỏ quên"". BĐ Cm-Qqmy đề nghị: "Cài app camera khi quay phim, chụp hình đều có ghi thời gian, địa điểm cho tài xế và tạo group Zalo. Yêu cầu tài xế trước khi khóa cửa xe phải quay phim trong xe khoảng 30 giây xem còn ai trên xe không, rồi gửi lên group Zalo. Video có thời gian chính xác bằng giây luôn".
BĐ Yen Lan góp ý: "Để không xảy ra chuyện "bỏ quên" HS như trên, đề nghị: 1/ Tài xế phải kiểm tra từng ghế ngồi trên xe và báo cáo với trưởng đoàn (giáo viên dẫn HS) là "Không còn HS nào trên xe". 2/ Giáo viên dẫn HS đi phải điểm danh nghiêm túc, và báo lại với tài xế "HS về đủ". 3/ Trước những lần dẫn HS đi tham quan, nhà trường phải quán triệt 2 điều trên đến các tài xế, giáo viên; sau chuyến đi, cần có báo cáo về những điều cần quan tâm để các giáo viên, tài xế khác rút kinh nghiệm".
"Tôi thêm một góp ý nhỏ: Tại sao khi đi dã ngoại không chia các HS ra thành từng nhóm nhỏ 3 người, và điểm danh theo các nhóm này, cũng như có các hình thức thi đua theo nhóm? Việc này giúp HS trong nhóm quan tâm lẫn nhau, biết nhắc nhở nhau, cùng thi đua với nhau… Khi trong nhóm thiếu người, hoặc có vấn đề gì thì nhóm biết ngay và báo ngay cho giáo viên", BĐ Truong Phong ý kiến.