Cân bằng giữa việc học và chơi, trẻ sẽ được phát triển toàn diện -Ảnh: K.ANH
"Hãy dùng tình thương để cảm hóa, dùng chính tấm gương của người lớn để giáo dục trẻ.
Tiến sĩ NGUYỄN HỮU LONG
Từng là trẻ lang thang đường phố, anh Hồ Quốc Thống, gương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM, cho biết lúc trước nhờ được vào mái ấm trẻ nam ở quận Bình Thạnh và được thầy phụ trách giới thiệu vào lớp học nghề nhiếp ảnh, anh đã có nghề lận lưng. Sau đó anh ra nghề, hướng dẫn lại cho nhiều hoàn cảnh như mình trước đây.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHTN VN TP.HCM tín chấp cho anh vay vốn, cửa hàng chuyên chụp ảnh cưới, ảnh nghệ thuật đã ra đời. Hiện cuộc sống gia đình nhỏ của anh luôn rộn tiếng cười, anh vẫn hướng dẫn nhiều bạn trẻ khó khăn, cơ nhỡ đến với nghề nhiếp ảnh.
Bạo lực chỉ khiến trẻ thêm sa lầy
Anh Nguyễn Thiên Hải - phụ trách mái ấm Ánh Sáng (Q.3, TP.HCM), nơi nuôi dưỡng những trẻ nam từ 6-17 tuổi, với đa số các em là những trẻ khó khăn, cơ nhỡ không nơi nương tựa - cho biết chỉ có dùng tình yêu thương mới có thể cảm hóa những đứa trẻ đường phố.
Hơn 20 năm làm công việc của người giáo dục viên gắn bó với những đứa trẻ có hoàn cảnh khá đặc biệt, nhiều lần phải tiếp xúc những trẻ từng "nhúng chàm" như ăn cắp, giật dọc trên đường phố, sống bờ bụi, lay lắt vỉa hè..., anh cho rằng nếu cứ dùng bạo lực với trẻ thì ắt chúng sẽ hận thù và rồi lớn lên chúng cũng sẽ bạo lực lại với những người xung quanh.
"Có nhiều em vào mái ấm, những ngày đầu thường nói dối, vẫn còn tật ăn cắp, ngay cả cuốn tập của các bạn khác còn bị lấy cắp đem bán ve chai. Không phải trẻ nào vào mái ấm cũng dễ dàng hòa nhập hay nghe lời mình ngay.
Nhiều em bướng bỉnh, tỏ vẻ bất cần đời nhưng cứ mỗi ngày mình gần gũi, tỉ tê và chịu lắng nghe em ấy thì chính em ấy sẽ nói ra tất cả sự thật về thân phận. Rồi mình sẽ tìm cách đưa các em đến trường học, em nào lớn thì giới thiệu học nghề" - anh Hải cho hay.
"Sự kiện hai thiếu niên bị đánh vừa qua, soi chiếu ở góc độ nào chúng ta đều thấy hành vi đó không phù hợp. Chúng ta cũng không thể chấp nhận phương pháp giáo dục mang tính bạo lực. Ngay với những cơ quan đảm bảo an ninh trật tự xã hội cũng cần phải lưu ý tính hợp pháp của mình đối với lực lượng mình đang quản lý.
Tiến sĩ TÔ NHI A
Nhờ sự cảm hóa của người giáo dục viên hết lòng yêu thương trẻ mà hàng trăm thiếu niên đã lớn lên từ mái ấm và trưởng thành ra đời, lập thân, lập nghiệp. Trong đó nhiều em học đại học ra trường đi làm ổn định, tiếp tục viết lên trang đời tươi đẹp.
"Nhiều trẻ rất ngỗ nghịch nhưng khi được cảm hóa các em có rất nhiều khả năng, sáng tạo, thậm chí có tài ở nhiều ngành nghề như đầu bếp, điện lạnh... Phía sau sự ngỗ nghịch là những hoàn cảnh rất đáng thương" - anh Hải trầm ngâm nói.
Gian nan giúp trẻ
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long cho rằng giáo dục con trẻ nói chung và giáo dục trẻ chưa ngoan chưa bao giờ là dễ dàng.
Muốn giáo dục trẻ chưa ngoan hay nói cụ thể hơn là thay đổi hành vi chưa phù hợp, chưa tốt ở trẻ thành hành vi hợp chuẩn thì ngoài việc tập trung vào đứa trẻ, việc quan trọng là phải thay đổi và kiến tạo môi trường quanh trẻ, trong đó có yếu tố quan trọng là những người xung quanh trẻ...
"Với những trẻ chưa ngoan hay trẻ đường phố, khi nhận được sự yêu thương trẻ sẽ trở lại con đường sáng. Nếu mình dùng bạo lực thì chỉ tạo thêm sự lì lợm trong con người đứa trẻ mà thôi. Đấy là những gì mình đã trải nghiệm và thực hành trong quá trình hướng nghề cho những đứa trẻ cũng có hoàn cảnh như mình ngày trước.
Anh HỒ QUỐC THỐNG
Để giáo dục trẻ chưa ngoan, chúng ta cần tránh những hành vi của những người xung quanh làm tổn thương trẻ (tổn thương thể chất và tinh thần). Vì thế hành vi chửi bới, lăng mạ, đánh đập trẻ là điều tối kỵ trong giáo dục trẻ...
Với trẻ bình thường (trẻ ngoan) hành vi này đã không được phép thực hiện thì với những trẻ chưa ngoan lại càng nguy hiểm hơn vì trẻ chưa ngoan có vài điểm bất ổn về tâm lý.
Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A - thành viên CLB tư vấn, trợ giúp trẻ em TP, việc giáo dục trẻ chưa ngoan cần hiểu là quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng như gia đình, nhà trường và xã hội.
Có một thực tế dễ dàng nhận ra với những trẻ em có hành vi chưa ngoan luôn có sự thiếu phối hợp về giáo dục của gia đình. Bởi ngay trong giáo dục gia đình từ trước đó, trẻ đã không được làm gương về hành vi đúng, thậm chí đôi khi trẻ còn được củng cố các hành vi chưa ngoan, chưa phù hợp của mình trong sự can thiệp không hợp lý của cha mẹ.
Bản thân gia đình phải có đủ tính làm gương, điều chỉnh những hành vi chưa ngoan ở trẻ. Điều này đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại của phụ huynh. Nếu việc làm gương đúng không được quan tâm ngay từ sớm, những cách hành xử đáng tiếc của các em rất dễ xảy ra.
Song song đó, chúng ta thấy phải có sự đồng bộ nhất định trong phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình trong công tác giáo dục trẻ. Tổ chức giáo dục phải thực hiện được vai trò uốn nắn của mình dành cho người học.
Nhà trường ngoài việc cung cấp kiến thức, cũng cần giáo dục cho các em về hành vi và lối sống, hỗ trợ về tâm lý cho các em. Vì thế, vấn đề tư vấn tâm lý học đường cần được thực hiện sâu sát hơn, đầu tư kịp thời, đa dạng về cách tiếp cận.
Đừng quên trách nhiệm của cha mẹ
Không tự dưng xuất hiện một đứa trẻ có hành vi chưa ngoan. Với hiện trạng này chúng ta phải nhìn ra việc uốn nắn một trẻ có hành vi chưa ngoan sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều lần so với việc chúng ta bắt đầu giáo dục một đứa trẻ ngay từ sớm.
Chính vì thế, ngay trong giáo dục gia đình, các ông bố bà mẹ cần trang bị kiến thức đủ để tương tác với con của mình, đưa ra giải pháp giáo dục phù hợp với từng độ tuổi của các con.
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần phải có sự chặt chẽ càng nhiều càng tốt để mang đến môi trường giáo dục tốt nhất dành cho trẻ.
TTO - Sáng 1-1, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, 12 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2020 được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương. Đây là những gương mặt điển hình trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của TP.HCM.
Xem thêm: mth.66902249050401202-naogn-auhc-ert-aoh-mac-gnouht-hnit-gnud/nv.ertiout