Sáng 4-4, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng tổ chức buổi tọa đàm về đề tài "Phạm Xuân Ẩn, điệp viên hoàn hảo qua các tác phẩm văn học".
Phạm Xuân Ẩn (sinh 12-9-1927 – mất 20-9-2006) tên thật là Phạm Văn Thành. Ông là thiếu tướng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam với các biệt danh như X6, Trần Văn Trung hay Hai Trung.
Ông từng là nhà báo và phóng viên cho hãng tin Reuters, tạp chí Time, tờ báo New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor, v.v..
Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15 tháng 1 năm 1976.
Bà Nguyễn Thị Yên Thảo phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: BTC
“Anh là một người bị xẻ đôi có lòng trung chính cao độ, một người sống với sự giả dối nhưng lại nói toàn sự thật”- Thomas A.Bass (Báo Người New York) viết về Phạm Xuân Ẩn.
Buổi tọa đàm có sự hiện diện của nhân chứng lịch sử - anh hùng LLVT Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo, Mỹ Nhung).
Nữ tình báo Tám Thảo tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Nhung sinh năm 1932, nguyên cán bộ Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
Bà là người có 2 năm (1960-1962) làm giao thông của Phạm Xuân Ẩn sau đó bà trực tiếp hoạt động trong cơ quan tình báo Hải Quân của Quân đội Việt Nam Cộng hòa ,làm thư ký cho thiếu tá tình báo Mỹ.
Tại buổi tọa đàm, bà đã dành thời gian quý báu để ôn lại kỷ niệm trong những tháng ngày hoạt động tình báo cùng với tướng Phạm Xuân Ẩn.
Bà cho biết ngày đó, chính bà là người đưa Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu ở Củ Chi để ông gặp gỡ các lãnh đạo và nhận phân công nhiệm vụ. Những thông tin, tài liệu mật ông Phạm Xuân Ẩn lấy được đều giao cho bà đưa về chiến khu một cách gọn lẹ, trót lọt.
Bà Nguyễn Thị Yên Thảo kí tặng sách sau buổi tọa đàm. Ảnh: BTC
Làm việc với Phạm Xuân Ẩn là quãng thời gian để lại nhiều kỉ niệm nhất trong cuộc đời làm tình báo của Tám Thảo.
Bà chia sẻ: "Đối với tôi, anh Ẩn không chỉ là một người anh, người đồng chí mà còn là người thầy rất mực nghiêm túc trong công việc nhưng cũng rất thương yêu mọi người. Anh ấy hoạt động cách mạng với một tinh thần trách nhiệm cao, không bao giờ đòi hỏi một lợi ích nào cho riêng mình".
Ngoài nhân vật đặc biệt là bà Tám Thảo, buổi tọa đàm còn có sự tham dự của các nhà báo, nhà văn và các cô chú hội viên CLB.
Cô Kiều Phương – một trong những hội viên khá lâu năm của CLB chia sẻ: “CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng là tâm huyết của chủ nhiệm Phạm Thế Cường và tất cả các hội viên. Mỗi tháng CLB sẽ tổ chức tọa đàm với 1 chuyên đề về người nổi tiếng trong giới văn học.
Đặc biệt mỗi chuyên đề sẽ có một quyển sách được viết riêng bởi hội viên CLB và dành tặng cho người tham gia tọa đàm. Ngoài ra có một số nhà văn cũng thường xuyên tặng sách cho thư viện của CLB. Những quyển sách quý giá ấy sẽ được trưng bày tại thư viện CLB và được tặng cho các thư viện trường học ở khắp nơi trên cả nước”.
Ông Phạm Thế Cường – chủ nhiệm CLB cũng có chia sẻ rằng: “Việc mang sách đến từng ngóc ngách của các thư viện trường học trên cả nước không phải là việc làm từ thiện. Bản thân tôi và các hội viên làm điều đấy là vì thích, vì yêu và vì có niềm đam mê đặc biệt với từng con chữ”.
Chủ nhiệm Phạm Thế Cường (ngoài cùng bên phải), bà Nguyễn Thị Yên Thảo (giữa) cùng với các khách mời và hội viên tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: BTC
Sau buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường giới thiệu sách "Hà Nội và Tôi" của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.
Ông chia sẻ: “Đây là một tập ký hay về cuộc sống, con người Hà Nội ở cái thời khó khăn thiếu thốn với những nét đẹp lẫn xấu xí của cái thời toàn dân đánh Mỹ ấy. Nhưng hơn cả là hình ảnh người mẹ vô vàn kính yêu đã vượt bao khó khăn để kiếm những đồng tiền mồ hôi nuôi chồng và đàn con thơ”.
Được biết, nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã tặng 50 cuốn sách cho quỹ hoạt động của CLB. Cũng tại buổi sinh hoạt định kỳ, ban chủ nhiệm CLB cho biết sẽ bán 30 cuốn sách cho thành viên CLB với 50% giá bìa và sẽ bán 60% giá bìa cho các bạn đọc khác. 20 cuốn còn lại sẽ tặng cho thư viện tư nhân liên kết với Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường.