Tính đến hết phiên giao dịch đầu tuần này, ngày 5-4, chỉ số VN-Index tăng 12.09 điểm, tương đương 0.99% lên 1.236,54 điểm, ngày càng bật xa khỏi ngưỡng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Hiện chỉ số Vn-Index đã có mặt ở vị trí thứ nhất trong danh sách các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu trong tuần vừa qua.
Nhưng liệu sự hưng phấn của thị trương chứng khoán Việt Nam có bền vững hay không?
Thị trường vào sóng mới
Bà Nghiêm Thị Loan (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: Tôi là nhà đầu tư F0, mới chỉ nhúng chân vào thị trường chứng khoán từ đầu năm nay. Rất may là khi thị trường vừa chạm đáy ngày 29-1, tôi mua vào nên khi cổ phiếu về tài khoản thì thị trường bật sắc xanh. Dịp đó tài khoản của tôi thắng lớn.
"Tính chung trong cả tháng 3-2021, tài khoản của tôi tăng thêm gần 7%. Nếu so với lãi suất ngân hàng thì mức lợi nhuận này còn cao hơn cả tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở một số ngân hàng", chị Loan nói.
Trong khi đó chị Bích (quận 2, TP.HCM) lại chia sẻ lo lắng của mình rằng không biết đà tăng của thị trường có bền vững hay không. Nhiều cổ phiếu đang đứng ở mức đỉnh và vẫn tiếp tục tăng.
"Về nguyên tắc, khi thị trường “xanh” thì nên mua, đỏ thì nên bán. Nhưng nhiều khi thấy cổ phiếu cứ tăng miết không biết sẽ bất ngờ “hạ cánh” lúc nào mà mình vẫn nhảy vào khi giá đã quá cao thì coi chừng mất tiền như chơi", chị Bích bày tỏ.
Trên thực tế ở nhóm ngành ngân hàng, trong tuần vừa qua SHB nổi lên như một “ông vua” khi tăng tới 38,5%, STB tăng 19,26% hay SSB ghi nhận tăng 40% sau chuỗi 9 phiên xanh liên tiếp.
Thậm chí có những cổ phiếu thuộc hàng trà đá, rau dưa như SPI ghi nhận mức tăng khủng: từ mức giá 7.700 đồng/cp vào ngày 17-3 thì đến sáng nay đã tăng lên tới 17.900 đồng/cp, tương đương tăng khoảng 130% chỉ sau 19 phiên gần đây.
Trước đó, trong suốt 3 năm liên tiếp (từ năm 2018 – 2020), thị giá cổ phiếu SPI chỉ loanh quanh 2.000 – 3.000 đồng/cp, thậm chí có thời điểm rớt xuống 600 – 700 đồng/cp.
Số lượng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản chứng khoán không ngừng tăng
Thị trường có thực sự bền vững?
Theo nhận định thị trường của Công ty chứng khoán MBS, trong kịch bản tích cực, xu hướng tăng của thị trường tiếp tục được củng cố, xu hướng dài hạn VN-Index có thể tiến về vùng mục tiêu 1.337 điểm. Nhìn triển vọng thị trường trong tuần này, kịch bản tích cực, chỉ số sẽ tiệm cận vùng kháng cự 1.255 – 1.275 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết: Tính đến hết phiên sáng nay, thị trường chứng khoán trong nước đã bật lên tới 1.236 điểm, đã tạo thêm hưng phấn cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận phiên mua vào đầu tiên trong ngày 2-4 vừa qua của các nhà đầu tư nước ngoài sau 5 tuần bán ròng liên tiếp. Đây cũng được xem là một thông tin tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, để chắc chắn thì vẫn cần chờ đợi đến hết tuần này, nếu kết thúc tuần mà thị trường vẫn giữ vững ở mốc 1.200 điểm thì mục tiêu sắp tới sẽ là 1.250 – 1.300 điểm. Còn nếu trong tuần này mà chỉ số VN-Index hồi lại dưới ngưỡng hỗ trợ 1.200 thì nhà đầu tư sẽ phải tiếp tục chờ đợi”
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính lại cho rằng đà tăng của thị trường trong cơn sóng hiện nay vẫn chưa có gì là bền vững cả. Bởi theo TS Hiển: "Chứng khoán thăng hoa trong suốt năm 2020 và đến đầu tháng 4 này thì bật lên một ngưỡng mới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam theo tôi là chưa bền vững".
Lý giải về nhận định này, TS Hiển cho biết: Với nhà đầu tư cá nhân có số vốn ít ỏi không đủ để đầu tư bất động sản thì chứng khoán rõ ràng là một kênh sinh lời tốt hơn hẳn so với việc gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Còn với những người kinh doanh thì cố gắng giữ được thị phần và không bị lỗ đã là tốt lắm rồi chứ chưa dám kỳ vọng kiếm lợi nhuận vào thời điểm này.
Do đó, một phần dòng tiền mà đáng lẽ họ dành để mở rộng kinh doanh thì giờ đây đang được khu trú vào bất động sản để nhằm bảo toàn vốn và một phần dòng vốn dịch chuyển vào chứng khoán để kiếm lời. Cho nên không khó hiểu vì sao thị trường chứng khoán lại thăng hoa như vậy.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán chỉ tăng trưởng bền vững khi nền kinh tế thực sự tạo ra lợi nhuận và phát triển. Nhưng cho đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang thiếu một lượng tiền rất lớn từ du khách nước ngoài đi du lịch, từ những đối tác làm ăn nước ngoài vào Việt Nam do e ngại dịch COVID-19 khó có thể kiểm soát triệt để. Dịch COVID-19 đã và đang tác động rất lớn tới nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng trong xã hội.
Chính vì vậy, với những gì đang thể hiện, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn vượt khó chứ không phải là bước vào giai đoạn kinh tế tăng trưởng, phát triển tốt. Do đó, việc tăng trưởng giá trị của các cổ phiếu ở thời điểm này không phải do nền kinh tế tăng trưởng mà nó tăng theo kiểu “anh này ngó anh kia.
"Tức là cùng một nhóm ngành, nhưng nhà đầu tư tổ chức này mua cổ phiếu A vì thấy lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp này rất tốt nhưng nhà đầu tư tổ chức khác lại chọn cổ phiếu B với lý lẽ “đâu có kém cạnh gì ai đâu mà sao giá lại thấp”.
Khi nhà đầu tư cá mập tích cực gom hàng thì đương nhiên giá sẽ tăng. Vào những thời điểm như vậy, nhà đầu tư cá nhân chỉ nên lướt sóng và chốt lời “non” để tránh nguy cơ cá mập xả hàng khi cổ phiếu xác lập đỉnh", TS Hiển nói.