Quảng Ngãi xin chuyển gần 50 héc-ta đất lúa cho dự án khu kinh tế
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Tỉnh Quảng Ngãi sẽ giao quyền sử dụng 34,88 héc-ta (ha) khu vực biển Dung Quất cho Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát cũng như đang xin phép Chính phủ chuyển mục đích sử dụng 49,8 ha đất lúa năm 2021 để thực hiện ba dự án tại Khu Kinh tế Dung Quất.
Một góc Khu Kinh tế Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Tư liệu |
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định giao 34,88 ha khu vực biển Dung Quất (thuộc địa bàn xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát sử dụng để thi công xây dựng bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất. Theo thông tin trang web của tỉnh, dự án bao gồm xây dựng các bến cảng, các công trình phụ trợ, kho bãi và hạ tầng kỹ thuật. Độ sâu được phép sử dụng từ 15m đến 35,2m.
Theo quyết định, thời hạn sử dụng khu vực biển hai năm và tiền sử dụng khu vực biển là triệu đồng/ha/năm.
Trước đó, vào tháng 6-2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát đầu tư bến cảng này với quy mô từ 5 đến 6 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư hơn 3.774 tỉ đồng.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2020), đầu tư xây dựng một bến liền kề (bến số 8) cho tàu có trọng tải 50.000 DWT với chiều dài 300m và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác để đáp ứng nhu cầu xuất – nhập khẩu hàng hóa trong KKT Dung Quất.
Giai đoạn 2 (2021-2024), tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hai bến còn lại (bến số 6 và 7) cho tàu có trọng tải đến 50.000 DWT và lớn hơn (tùy thuộc vào nhu cầu thực tế) với tổng chiều dài còn lại là 450m và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ.
Tuy nhiên đến nay, dự án mới được giao mặt bằng để thi công.
Theo thông tin trước khi tiến hành sử dụng khu vực biển, công ty phải báo cáo UBND tỉnh kiểm tra thực địa tại khu vực biển được sử dụng, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường biển, phục hồi, cải thiện môi trường biển sau khi hết thời hạn sử dụng khu vực biển theo quy định.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng 49,8 ha đất lúa năm 2021 để thực hiện ba dự án tại Khu Kinh tế Dung Quất.
Các dự án bao gồm Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền - đập Cà Ninh hạ lưu sông Trà Bồng phục vụ Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn - giai đoạn 1 (xin chuyển mục đích sử dụng đất lúa với diện tích 17ha); Tuyến đường Trì Bình - cảng Dung Quất (xin chuyển mục đích sử dụng đất lúa với diện tích 11ha); và Đầu tư mở rộng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và các dự án vệ tinh của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (xin chuyển mục đích sử dụng đất lúa với diện tích 21,8ha).
Tổng diện tích xin chuyển mục đích sử dụng đất lúa để thực hiện ba dự án này đảm bảo chỉ tiêu thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa trong năm 2021 và dự án có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Bình Sơn được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 2-3-2021.
Tỉnh Quảng Ngãi đã rà soát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của các công trình, dự án, đảm bảo phương án sử dụng đất tiết kiệm và chịu trách nhiệm đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất đã được xét duyệt; đảm bảo tính khả thi của các công trình, dự án trên thực tế và các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, như KTSG Online đã đưa tin hiện có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề môi trường, rác thải của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi sau khi Tập đoàn Hòa Phát công bố sẽ phát triển và đưa vào vận hành dự án trên diện tích 283,73ha vào năm 2022, sau khi đạt 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) ra lò tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (giai đoạn 1).
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 524 dự án, với tống vốn đăng ký trên 173.600 tỉ đồng; trong đó, có 123 dự án lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Riêng Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp cấp chủ trương đầu tư cho 85 dự án công nghiệp, tổng vốn ước trên 123.900 tỉ đồng, đạt 156% so với chủ tiêu được giao. Các Cụm công nghiệp thu hút khoảng 30 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 663 tỉ đồng, đạt 121% kế hoạch. Một số dự án quan trọng đã đi vào hoạt động, đặc biệt là Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Trong kỳ, đã thu hút được 23 dự án công nghiệp nặng có quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất (luyện cán thép và phụ trợ), với tổng vốn đăng ký trên 117.700 tỉ đồng; thu hút 73 dự án Công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày, thực phẩm,..), với tổng vốn trên 21.300 tỉ đồng; thu hút 71 dự án dịch vụ, du lịch, với tổng vốn đăng ký trên 11.400 tỉ đồng,… Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh phát triển chưa đồng đều giữa các ngành nghề, sản phẩm. Giá trị sản xuất công nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của địa phương là doanh nghiệp vừa và nhỏ; thậm chí siêu nhỏ. Hệ thống hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý nước thải,… |
Xem thêm: lmth.et-hnik-uhk-na-ud-ohc-aul-tad-at-ceh-05-nag-neyuhc-nix-iagn-gnauq/271513/nv.semitnogiaseht.www