Đà Nẵng sẽ đầu tư hơn 15.500 tỉ trong 10 năm để cải thiện môi trường
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 vừa được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt có tổng kinh phí 15.546 tỉ đồng.
Một phần dự án xử lý nước thải ra biển tại thành phố Đà Nẵng. Thành phố miền Trung đang lên kế hoạch trở thành thành phố môi trường trong 10 năm tới. Ảnh: Nhân Tâm |
Số tiền này đến từ các nguồn ngân sách Nhà nước (5.436 tỉ đồng); nguồn vốn ODA (3.200 tỉ đồng) và nguồn vốn xã hội hóa (6.910 tỉ đồng).
Đề án đặt mục tiêu khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguồn nước, rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các quy trình, hệ thống thông minh cho việc quản lý các nguồn tài nguyên và thiên nhiên. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tổ chức, người dân.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể được chia thành 4 nhóm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Đối với nhóm phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, đề án đặt mục tiêu 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất thuộc đối tượng được cấp Chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 theo quy định. 100% các nguồn phát thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) theo quy định được kiểm soát tự động, liên tục, chỉ số chất lượng môi trường không khí <100, chỉ số chất lượng môi trường nước >90.
Đến năm 2025 hoàn thành Mô hình khu công nghiệp sinh thái; đến năm 2030 có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái. Đồng thời, đến năm 2025, có 100% phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt mới đạt Tiêu chuẩn khí thải Euro 4; đến năm 2030 đạt 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo: Đến năm 2025 giảm từ 1-2%, đến năm 2030 giảm 5-7%.
Về cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, đề án đặt mục tiêu 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, 100% dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn đến năm 2025 đạt 85%, năm 2030 đạt 95%; 100% các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2025 đạt >95%, đến năm 2030 đạt >97%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để.
Đối với nhóm bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đề án đặt mục tiêu không chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, đảm bảo bố trí diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị năm 2025 đạt 6m2/người, đến năm 2030 đạt 9m2/người. Tỷ lệ các khu vực khai thác khoáng sản được phục hồi theo quy định pháp luật trên tổng số khu vực kết thúc khai thác khoáng sản đến năm 2025 đạt 50%; đến năm 2030 đạt 100%.
Về tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đề án đặt mục tiêu đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường trên 3%; tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đến năm 2025 đạt 90%. Đến năm 2030 đạt 100%; tỷ lệ trường học triển khai phân loại rác tại nguồn đến năm 2025 đạt 100%; 100% các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân được giải quyết kịp thời.