Thông qua truyền thông nhà nước, chính quyền quân sự Myanmar đã lên tiếng trước việc Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener cảnh báo về nguy cơ nội chiến, "tắm máu" ở đất nước này, hãng Reuters đưa tin.
Ngày 31-3, bà Burgener đã phát biểu trong phiên họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) về Myanmar. Đặc phái viên này cho rằng HĐBA buộc phải cân nhắc "những hành động quan trọng có thể được thực hiện" trước thực tế là "một cuộc tắm máu sắp xảy ra" ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ngày 5-4, tờ The Global New Light of Myanmar (do chính phủ quản lý) đăng tải bài viết chỉ trích "những nhận xét của bà Burgener trái với các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền và trái với thực tế rằng LHQ có nhiệm vụ hướng tới hòa bình và ổn định của các quốc gia trên thế giới".
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener. Ảnh: UN MULTIMEDIA
Theo đó, chính quyền quân sự (với tên gọi chính thức là Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar) mô tả những gì bà Burgener phát biểu là không chính xác và gây hiểu lầm khi "khác xa với thực tế".
Chính quyền này cũng cho rằng bình luận của đặc phái viên LHQ có thể "gây bất ổn hoặc trì hoãn các nỗ lực của Hội đồng Hành chính nhà nước nhằm thiết lập một nền dân chủ đa đảng đích thực và có kỷ luật".
Ngày 1-2, quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo cấp cao trong chính quyền dân sự ở Naypyidaw và lập ra Hội đồng Hành chính nhà nước để nắm quyền trong thời gian áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp.
Động thái của quân đội đã vấp phải sự phản đối gay gắt trong dân chúng, gây ra tình trạng biểu tình kéo dài ở hàng loạt địa phương trong cả nước. Lực lượng an ninh đã nhiều lần dùng vũ lực, bao gồm cả nổ súng, để trấn áp người biểu tình.
Trong ngày 5-4, tại cố đô Yangon, người biểu tình đã có động thái mới. Khoảng 5 giờ chiều, người biểu tình ở đây bắt đầu nhất loạt vỗ tay để thể hiện sự phản đối đối với chính quyền quân sự.
Theo một tổ chức độc lập chuyên theo dõi nền chính trị Myanmar, sau vụ chính biến hôm 1-2, ít nhất 564 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar.
Trong ngày 5-4, một người biểu tình thiệt mạng sau khi lực lượng an ninh của chính quyền quân sự giải tán cuộc biểu tình ở trung tâm vùng Sagaing (tây bắc Myanmar), theo trang tin The Myanmar Now.
Các nhóm nổi dậy có vũ trang - vốn đã tồn tại ở nhiều khu vực tại Myanmar một thời gian dài trước cuộc chính biến - đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn đã ký kết với chính quyền Naypyidaw và sẽ chiến đấu chống lại quân đội chính phủ. Điều này làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nội chiến ở đất nước này.
Cộng đồng quốc tế cũng đặc biệt quan tâm tình hình hiện tại ở Myanmar. Ngày 31-3, HĐBA đã "thống nhất" về việc lên án chính quyền quân sự Myanmar và đang thảo luận về "một loạt biện pháp" nhắm vào quân đội nước này.
Các nước phương Tây chỉ trích hành động của giới quân sự Myanmar là "đảo chính" và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia được coi là đồng minh quan trọng nhất của Myanmar - nhấn mạnh yêu cầu "khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự" ở quốc gia Đông Nam Á này nhưng không lên án chính quyền quân sự.